Kim phấn thế gia (2002)


Tên phim: Kim phấn thế gia

Đạo diễn: Lưu Quốc Quyền

Nguyên tác : Trương Hận Thủy

Diễn viên: Trần Khôn, Đổng Khiết.

Năm sản xuất : 2002

Watching Cafe: ★★☆☆☆

——————————————–

Mấy hôm nay không online khuya, thay vào đó là xem TV. Nhờ thế mà có cơ hội xem lại một bộ phim hay. Phim này tôi xem lâu lắm rồi, dễ cũng đến 3,4 năm gì đó. Lúc đó bản thân hãy còn là một cô bé nên cách nhìn nhận đánh giá khá ngây ngô và phiếm diện. Giờ đây xem lại ở độ tuổi trưởng thành hơn nên những suy nghĩ về nó đã có những thay đổi.

Kim phấn thế gia, cái tên đã đủ bao hàm bối cảnh chính của bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trương Hận Thủy. Truyện phim nói về cuộc sống của một gia tộc danh giá những năm 20-30 ở Trung Quốc. Ẩn đằng sau vẻ giàu sang, hào nhoáng và có phần quy củ của gia tộc này là câu chuyện dài chứa đựng những bi kịch đau thương của mỗi thành viên mà điển hình là mối tình của Kim Yến Tây và Lãnh Thanh Thu.

Lần đầu xem Kim phấn thế gia, đã có những lúc tôi tức phát điên lên vì diễn biến của câu chuyện. Lúc đó, nét đẹp trong sáng, lộng lẫy của nhân vật Bạch Tú Châu do Lưu Diệc Phi thủ vai đã chiếm trọn trái tim tôi. Tôi yêu người con gái ấy và đau thay cho nỗi đau của cô. Lẽ dĩ nhiên, tôi căm ghét nhân vật đối lập Lãnh Thanh Thu của Đổng Khiết. Tôi không thể hiểu được tại sao hầu hết các nhân vật trong phim đều yêu mến và bảo vệ cô ta, tại sao Kim Yến Tây lại khước từ tình yêu của Tú Châu để chạy theo cô ta và tại sao cô ta lại có được “hạnh phúc”. Trong mắt tôi, Lãnh Thanh Thu là một nhân vật cực kỳ đáng ghét. Cô ta chỉ là một nữ sinh trung học, gia cảnh nghèo khó nhưng cá tính lại cực kỳ cao ngạo và có phần tự tôn thái quá. Luận về nhan sắc, về gia thế và cả về tình yêu, dù là bất cứ mặt nào tôi cũng đều thấy cô ta thua kém Tú Châu. Thế mà Kim Yến Tây lại vẫn chỉ một lòng say đắm cô ta. Và tôi đã cho rằng đó là một sự không công bằng.

Thế nhưng đó là suy nghĩ của một cô bé, còn tôi ở độ tuổi 20 lại nghĩ khác. Qua lần xem này, tôi đã hiểu được tại sao Yến Tây yêu Thanh Thu đến thế. So với một Bạch Tú Châu lộng lẫy, kiêu sa thì nét đẹp của Thanh Thu thật thanh tú, hiền hòa. So với cô tiểu thư được bao bọc trong nhung lụa đến mức trở nên ích kỷ thì tấm lòng nhân hậu của cô lại chiếm phần hơn. So với cô gái lá ngọc cành vàng nhưng mỗi lần gặp mặt lại chỉ mang đến bực dọc như Tú Châu thì Thanh Thu là làn gió mát êm dịu. Đặc biệt, điều mà tôi từng cho là tự tôn thái quá ở cô thật chất lại là lòng tự trọng của một cô gái có học thức và hiểu lý lẽ. Vì thế, không có gì là quá đáng khi cô chiếm trọn trái tim của chàng công tử Kim Yến Tây.

Tuy thế, điều lớn nhất mà tôi nhận ra ở lần xem này là ý nghĩa xuyên suốt của cả câu chuyện.

Tình yêu là gì? Người ta bảo tình yêu không phân biệt đẳng cấp, sang hèn, giàu nghèo, khi đã yêu thì ai cũng như ai. Tuy vậy, tôi tự hỏi rằng điều đó liệu có thật không hay nó vẫn mãi chỉ là niềm mơ ước. Yến Tây và Thanh Thu yêu nhau, yêu bằng trái tim chân thành và thuần khiết nhất, nhưng kết cục của họ vẫn là chia ly. Tại sao?

Đơn giản chỉ vì họ khác nhau.

Hoàn cảnh xuất thân, môi trường sinh trưởng, quan điểm sống của mỗi người không giống nhau đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể cởi bỏ. Khi họ yêu, tình yêu của họ thật đẹp. Nó đẹp đến nỗi phủ mờ đi sự khác biệt. Những cảm xúc của mối tình đầu ấy thật trong sáng nhưng nó lại như viên pha lê mỏng manh có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Thật thế, khi bước vào ngưõng cửa của hôn nhân, khi đời sống hàng ngày buộc họ phải đối diện với nhau thì cả hai mới ngỡ ngàng nhận ra những khác biệt đó. Yến Tây vẫn là chàng công tử nhà giàu phóng khoáng, vô lo và chưa đủ sức chịu trách nhiệm cho một gia đình. Còn Thanh Thu vẫn là cô gái xuất thân bần hàn và không thể hòa hợp với lối sống của một gia đình giàu có như Kim gia. Và dù cho cả hai đều là trí thức thì với vốn sống còn quá ít ỏi, họ không thể giải quyết sự mâu thuẫn này. Kết quả tất yếu là chia ly.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của Thanh Thu thưở còn yêu Yến Tây. Câu nói ấy dường như đã báo trước cho bi kịch của cả hai về sau này.

“Dù cho có cố gắng đến mấy thì liệu giàn nho nhà tôi có thể nở ra hoa bách hợp được không?”

Lúc đó, để trả lời cho câu hỏi này của Thanh Thu, Yến Tây đã dùng tiền để khiến giàn nho nở ra hoa bách hợp.

“Anh tin chỉ cần chúng ta yêu nhau thì việc gì cũng có thể làm được.”

Ở thời điểm đó thì có lẽ Yến Tây đúng. Bằng chứng là họ đã gạt bỏ được định kiến giai cấp, những hiểu lầm và cả những sĩ diện riêng của bản thân để đến với nhau. Tuy thế, đồng tiền của Yến Tây lại không vạn năng đến độ có thể mua được hạnh phúc vĩnh viễn khi mà cả hai người không thể nuôi dưỡng tình yêu bằng sự cảm thông và sẻ chia. Và thế là họ chia ly.

Tôi tin chắc rằng cho đến giây phút cuối cùng, Yến Tây vẫn yêu Thanh Thu tha thiết và cô cũng thế. Tuy vậy, tình yêu này lại không đủ sức níu kéo họ về bên nhau. Họ vẫn chọn con đường ra đi, mỗi người mỗi ngả, lòng mang theo mối tình khắc cốt ghi tâm với đối phương.

Mối tình của Yến Tây và Thanh Thu chỉ là một trong số những bi kịch của bộ phim. Vẫn còn đó những bi kịch tình yêu khác như Bạch Tú Châu, như Liễu Xuân Giang, Kim Tiểu Liên,…. mà nếu có dịp tôi sẽ trình bày.

Dàn diễn viên trong phim với tôi thật sự rất tuyệt vời, đặc biệt là Trần Khôn.

Đây là bộ phim thứ hai của anh mà tôi xem. Tôi lúc ấy là một cô bé, cũng chạy theo những anh chàng nghệ sỹ đẹp trai thuộc trào lưu thần tương nhưng lạ thay, một diễn viên thuộc nhóm thực lực như Trần Khôn lại gieo vào lòng tôi những xúc cảm khác thường. Anh thu hút tôi bởi đôi mắt sâu thẳm, nụ cười đẹp và lối diễn xuất tài tình. Cả vai diễn Kim Yến Tây và những vai về sau này của anh đều khiến tôi quên đi anh là Trần Khôn. Với tôi lúc ấy chỉ tồn tại nhân vật mà anh hóa thân. Tôi còn nhớ mình đã từng đau với nỗi đau buộc phải dâng người yêu của mình cho kẻ thù của anh trong The Conquest. Phạm Lãi mà anh thể hiện không để lộ nỗi đau ra nét mặt hay qua lời nói mà tất cả được hiển hiện đủ bằng ánh mắt bi thương. Tôi cũng say đắm anh và khóc hết nước mắt cùng với số phận nhân vật chàng trai nghèo bần hàn Trần Tử Khôn trong Như sương như vũ lại như phong. Và gần đây nhất là đồng cảm cùng những đam mê, tình yêu của chàng tướng quân Vương Sinh trong Painted Skin. Tất cả những nhân vật đó đều được anh thể hiện một cách xuất thần. Chính vì thế mà dù cho anh không phải là người khiến tôi yêu đến cháy lòng nhưng lại luôn khiến tôi phải dõi mắt trông theo số phận những hóa thân của anh.

Theo đánh giá của riêng tôi, Đổng Khiết đã có một vai diễn thành công khi cô thể hiện được một cách trọn vẹn nhân vật Lãnh Thanh Thu có nội tâm phức tạp. Tuy cô không đem đến cho tôi những xúc cảm mãnh liệt ở lần đầu xem phim nhưng giờ đây tôi không thể phủ nhận thành công của cô. Cũng không thể không nói đến Lưu Diệc Phi với diễn xuất rất tốt cho vai Bạch Tú Châu.

Cảnh quay của phim cũng được tôi đánh giá cao. Những tòa dinh thự lộng lẫy, những khu phố đúng với nguyên bản lịch sử mang đến cho tôi nhiều hứng thú. Đặc biệt, những cảnh quay thể hiện mối tình của Yến Tây và Thanh Thu  thật sự khiến tôi phải rung động. Bạn hãy thử xem và cảm nhận nhé.

By Shirrlly