ShortFilm Project – Lịch sử ra đời và phát triển của phim ngắn


Cinématographe_Lumière

~oOo~

Nếu như xem màn trình diễn đầu tiên cuả anh em nhà Lumière là cột mốc đánh dấu sự ra đời của phim ảnh thì tính đến nay, bộ môn nghệ thuật này đã tồn tại hơn một thế kỷ, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhân loại. Và phim ngắn, một thể loại vốn xuất hiện ngay từ buổi sơ khai cũng đã có một cuộc hành trình đầy đặn như chính bản thân điện ảnh vậy.

1. Giai đoạn manh nha

Thật ra, vào buổi phát minh ra điện ảnh, tất cả các phim đều ngắn. Đơn giản là vì vào thời điểm đó, điều kiện kỹ thuật không cho phép các nhà sáng tạo sản xuất những bộ phim truyện. Những phim đầu tiên chỉ có thời lượng chừng vài phút, rồi sau đó được nâng dần lên, cho đến khi xuất hiện đơn vị “cuộn” (một cuộn phim truyện khoảng 14 phút), một trong những chuẩn mực đầu tiên của điện ảnh. Hàng loạt các phim ngắn được ra đời vào thời kỳ này. Trong đó phải nhắc đến những thước phim đầu tiền tiên của anh em Lumière, hai nhà tiên phong của điện ảnh thế giới. Đó là Workers leaving the Lumière factory, L’arrivée d’un Train en Gare, L’Arroseur arrosé và còn nhiều, nhiều phim khác nữa. Phải nói số lượng phim ngắn được sản xuất và trình chiếu ở giai đoạn này nhiều vô kể. Chỉ riêng đạo diễn danh tiếng người Mĩ D. W. Griffith, trong thời kỳ đầu của sự nghiệp mình, đã sản xuất hơn 450 phim ngắn. Bryony Dixon, người quản lí và điều hành Liên hoan phim Câm Anh quốc (British Silent Film Festival) của Viện nghiên cứu Điện ảnh Anh quốc (British Film Institude) đã từng phát biểu về thời đại này như sau: “Cách thưởng thức điện ảnh phổ biến của thời bấy giờ là sử dụng những thính phòng âm nhạc hay các bãi đất rộng ở hội chợ hoặc triển lãm, nơi thường trình chiếu những chương trình dài khoảng 20 phút về rất nhiều hành động đa dạng và phong phú. Đa phần những phim ngắn đầu tiên đều mô tả lại những loại hình giải trí sẵn có khác như: đèn lồng ma thuật, ảo thuật, diễn xuất tự do hay biểu diễn hoạt cảnh. Có thể nói, “ngắn” là một chuẩn mực.” (“The major outlets for entertainment at that time were music halls and fairgrounds, where programmes were made up of a variety of different acts lasting up to about 20 minutes. Most early films imitated other entertainment media already in existence: magic lantern shows, illutrations, variety acts, tableaux presentations. So short was the norm.”)[52] Thật ra, hiện tượng này cũng rất dễ hiểu. Bởi lúc bấy giờ, điện ảnh chưa tạo được cho mình một diện mạo xác định nên với những bước chập chững đầu tiên, nó buộc phải tồn tại dưới dạng ngắn. Có như thế, phim sẽ được sản xuất rất nhanh, kịp thời đáp ứng cho các rạp chiếu đang nở rộ lúc bấy giờ, chớp lấy thời cơ tìm kiếm lợi nhuận. Phổ biến nhất trong thời kỳ này là mô hình những Rạp 5 xu (nickelodeons–người xem chỉ cần bỏ ra 5 xu thì sẽ được vào xem những thước phim ngắn), chuyên phục vụ cho tầng lớp bình dân. Có thể nói, phim ngắn thống trị thời đại sơ khai của điện ảnh thế giới. Từ năm 1888 đến năm 1913, cùng với bước đi của điện ảnh, phim ngắn được sản xuất ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Mĩ và châu Âu. Tuy nhiên, phẩm chất nghệ thuật của phim ngắn lúc bấy giờ còn rất non trẻ. Những thước phim đầu tiên chỉ đơn thuần bao gồm các hình ảnh được ghi lại một cách máy móc, thiếu hẳn một kết cấu cụ thể. Chính vì thế mà ta có thể hình dung ở thời kỳ này, thể loại phim ngắn chỉ vừa manh nha hình thành. Sau này, với nỗ lực đưa truyện kể vào kịch bản của các nhà biên kịch và đạo diễn, phim ngắn đã dần có được một cấu trúc vững chắc hơn. Trong số đó, phải kể đến những gương mặt nổi bật, những nhân vật tiên phong đã góp phần dựng nên nền tảng đầu tiên cho kỹ thuật điện ảnh nói chung, và phương pháp tự sự nói riêng. Ở châu Âu, đó là Charles Chaplin (Anh), một biên kịch, diễn viên và đạo diễn đại tài từng làm say lòng bao thế hệ với gần 50 phim ngắn trong giai đoạn này, Lucien Nonguet (Pháp), Albert Capellani (Pháp) và Luigi Maggi (Ý), mỗi người sở hữu hơn 100 tác phẩm, Cecil M. Hepworth (Anh) và Max Linder (Pháp) đã từng lần lượt đóng và đạo diễn hơn 200 phim ngắn hay như Oskar Messter (Đức) với hơn 350 phim, và đặc biệt hơn cả là Arturo Ambrosio (Ý) với sự nghiệp đồ sộ gồm hơn 1000 phim ngắn tính tới năm 1931. Ở nước Mĩ, đó chính là Georges Mélies (1861–1932), một trong những đạo diễn đầu tiên quyết định lập nghiệp do ông đã bị cuốn hút bởi sự choáng ngợp đến từ những màn trình diễn đầy ma thuật của anh em nhà Lumière. Để rồi sau đó, Mélies đã làm nên một sự nghiệp rực rỡ với trước tác gồm khoảng 550 phim ngắn, mà phần nhiều là các phim mang tính chất kỳ ảo với sự sáng tạo không biên giới trong thủ thuật dựng cảnh. Đó chính là Alice Guy, một trong những đạo diễn nữ đầu tiên đã từng sản xuất gần 350 phim ngắn với những nội dung hết sức phong phú, đậm tính văn học. Đó chính là Edwin S. Porter (1870-1941), người đã làm nên phát súng nổi tiếng với cách quay trực tiếp nòng súng chân thực đến kỳ lạ trong The Great Train Robbery (1903) và hơn 270 phim ngắn khác. Và cuối cùng, một nhân vật mà ta đã nhắc đến từ trước, D. W. Griffith, người đã tiếp thu kỹ thuật của cả ba đạo diễn gạo cội Mélies, Guy và Porter để làm nên những thước phim đặc sắc của chính mình. Với lịch sử phim ngắn nói riêng và điện ảnh nói chung, cái tên D. W. Griffith đóng một vai trò rất quan trọng. Ông thường được xem là người đã đặt dấu mốc, mở đầu cho thời kỳ phát triển của phim truyện dài. Thật ra, trước D. W. Griffith đã có khá nhiều đạo diễn từ khắp các nước, đặt biệt là châu Âu với Pháp, Ý, Đan Mạch, đã từng sản xuất những phim truyện hơn một cuộn (thường là 5 hay 6 cuộn). Những bộ phim đó ồ ạt cập cảng nước Mĩ và đe dọa thị trường điện ảnh trong nước, vốn không sản xuất nhiều phim truyện. Trước nguy cơ bị giành mất thị phần, D. W. Griffith là người đã nổ phát súng đầu tiên với The Birth of a Nation. Phim sở hữu một độ dài vô tiền khoáng hậu (12 cuộn-tương đương 168 phút) cùng một nội dụng tự sự đầy đặn, xứng đáng trở thành một trong những phim truyện nổi bật nhất vào thời kỳ đầu của điện ảnh. Và cũng chính từ thời điểm lịch sử ấy, phim ngắn chính thức mất đi địa vị độc tôn, nhường lại ngôi vị thống trị cho phim truyện dài.

2. Giai đoạn định hình và phát triển

Trước sự phổ biến nhanh chóng của phim truyện, các nhà làm phim ngắn từ những ngày đầu cũng bắt đầu thử sức mình với thể loại mới mẻ đó. Hoạt động sản xuất phim ngắn giảm, thể loại này dần được định hình ở một vị trí ngoại biên với một khoảng cách nhất định đối với trung tâm điện ảnh, nơi đang dần hình thành một nền công nghiệp đồ sộ, chủ yếu phát triển mạnh mẽ tại Mĩ. Từ đây, bắt đầu có sự phân biệt rạch ròi giữa hai thể loại: phim truyện dài và phim ngắn. Sau đây, chúng ta sẽ khảo sát sự phát triển của phim ngắn qua 4 giai đoạn khác nhau của lịch sử thế kỷ thứ XX với những đặc trưng riêng biệt, gồm: thời đại của phim câm và sự khai sinh của nền công nghiệp điện ảnh Mĩ (1913-1930), thời đại Hollywood và điện ảnh thế giới trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai (1930-1945), thời kỳ hậu chiến với những làn sóng mạnh mẽ (1945-1970) và thời đại mới của điện ảnh với ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ hiện đại (1970-nay).

Trước hết, ta đến với thời đại phim câm cùng với những ngày đầu của nền công nghiệp điện ảnh Mĩ. Có một sự thật trái ngược rằng, điện ảnh Mĩ đã bắt đầu ồ ạt sản xuất phim truyện là để cạnh tranh với điện ảnh châu Âu. Thế nhưng, ngay khi D. W. Griffith còn đang sản xuất The Birth of a Nation thì châu Âu bắt đầu lao vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khiến cho sự phát triển của điện ảnh trên châu lục này bị chững lại. Nhân cơ hội đó, các nhà làm phim Hoa Kì bắt đầu có tham vọng phát triển một nền công nghiệp điện ảnh rực rỡ. Trước định hướng đấy, phim ngắn càng mất đi sức hút của mình bởi người Mĩ muốn lấy sự hoành tráng từ cốt truyện đến kỹ thuật nhằm củng cố vị thế của mình trên thị trường, và chỉ có phim truyện mới thích hợp để làm được điều đó. Vả lại, thị hiếu của người xem lúc bấy giờ đã thay đổi, họ không còn muốn xem những thước phim đơn giản như trước kia nữa, họ muốn chứng kiến một câu chuyện dài, có khả năng dựng nên trước mắt họ một thế giới hoàn hảo. Vì vậy, trong suốt chiến tranh, đa phần phim ngắn chỉ tồn tại nhiều ở dạng những mảnh tin tức không nhiều giá trị nghệ thuật. Chỉ đến khi chiến tranh kết thúc, châu Âu tạm yên thì phim ngắn mới trở lại với một diện mạo mới hoàn khác, chủ yếu mang tính thể nghiệm, gắn liền với trào lưu nghệ thuật Tiên phong (avant-garde), đóng vai trò như một trong những hình thức nghệ thuật đầu tiên để các nhà nghệ sĩ biểu hiện ý tưởng của mình. Từ chủ nghĩa Dada đến chủ nghĩa siêu thực, phim ngắn là một trong những hình thức nghệ thuật đầy lôi cuốn trong suốt những năm tháng hỗn độn đó với những thước phim nổi tiếng mọi thời đại như trong Un Chien Adalusia, sản xuất năm 1928 bởi hai nhà làm phim siêu thực: Salvado Dalí và Luis Buňuel. Ngoài ra, ở phương Đông mà tiêu biểu là ở Nhật Bản, phim ngắn cũng rải rác xuất hiện dưới dạng phim tài liệu ngắn với những gương mặt như Kenji Mizoguchi với hai phim Shôhin eiga-shû: Machi no sketch (1925) và Tôkyô kô shinkyoku (1929). Yasujiro Ozu cũng có một phim tài liệu ngắn mang tên Kagamijishi (1936) và vài phim ngắn khác như Wasei kenka tomodachi (1929), Tokkan kozô (1929) và Erogami no onryô (1930).

Nếu như với Avant-garde, người nghệ sĩ vừa mới phần nào thể hiện sự bất tín và hoảng loạn của mình đối với cuộc chiến tranh trước đó thì không lâu sau khi trào lưu này tạm lắng, một cuộc chiến kinh hoàng khác trong lịch sử nhân loại lại bùng nổ. Giờ đây, ở châu Âu và các vùng chịu ảnh hưởng chiến tranh, phim ngắn không chỉ bước vào giai đoạn trầm kha dai dẳng như lần trước mà thể loại này còn bị bóp méo, được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền (propaganda) cho các chính phủ đương thời. Chẳng hạn như điện ảnh Trung Quốc lúc bấy giờ gần như hoàn toàn bị biến thành công cụ tuyên truyền của phát-xít Nhật. Duy chỉ có mảng phim ngắn hiếm hoi khả dĩ cho là có phát triển ở giai đoạn này chính là phim tài liệu ngắn, nổi bật với Roberto Rossellini (Ý), John Grierson, Mary Field (Anh) hay Gabriel Figueroa (Mexico)… Trong khi đó, phim ngắn ở kinh đô điện ảnh Hollywood lại cực kỳ phát triển bởi trong giai đoạn đầu, khi Hoa Kì chưa tham chiến, điện ảnh vẫn đều đặn tiến lên trong bảng xếp hạng các ngành công nghiệp giải trí. Cột mốc quan trọng ghi nhận sự tồn tại độc lập và dài hơi của thể loại phim ngắn trong nền điện ảnh Mĩ chính là việc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kì đồng ý đưa phim ngắn vào danh sách trao giải Oscar kể từ năm 1932, chỉ ba năm sau khi giải thưởng này được thành lập vào ngày 16 tháng 5 năm 1929. Ban đầu, phim ngắn chỉ tồn tại với hai hạng mục: “Phim ngắn hay nhất” (Best Short Subject, ám chỉ phim ngắn quay thực, live-action short films) và “Phim hoạt hình ngắn” hay nhất (Best Short Subject, animated). Phim tài liệu ngắn chỉ được đưa vào danh mục trao giải 9 năm sau đó (1941). Trong đó cách phân loại trên, phim ngắn được chia thành hai tiểu mục nhỏ là phim ngắn hài (Best Short Subject, comedy) và phim ngắn có tính mới lạ (Best Short Subject, novelty). Cách phân chia này tồn tại từ 1932-1935. Sau đó, từ năm 1936 đến 1956, giải thưởng dành cho phim ngắn lại được chia theo dung lượng: “Phim ngắn một cuộn hay nhất” (Best Short Subject, One-reel) và “Phim ngắn hai cuộn hay nhất” (Best Short Subject, Two-reel). Mãi đến năm 1957, hai hạng mục trên được gộp lại thành một định nghĩa: “phim ngắn quay thực”(Short Subjects, Live Action Films). Và mãi đến năm 1970 mới có tên: “Phim ngắn quay thực xuất sắc nhất”(Best Live-action Short Film), cùng với “Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất”(Best Animated Short Film) và “Phim tài tiệu ngắn xuất sắc nhất” (Best Documentary Short Film) tạo thành bộ ba hạng mục trao giải dành cho phim ngắn cho đến ngày nay. Như thế ta có thể thấy rằng, ngay từ những ngày đầu tiên, Oscar đã để tâm vinh danh phim ngắn như một thể loại độc lập. Chính sự thay đổi liên tục tên của các hạng mục liên quan đến phim ngắn cũng chứng tỏ sự phát triển liên tục của thể loại này, khiến cho cơ cấu giải thưởng phải thay đổi để phù hợp với nó. Theo như Wheeler Winston Dixon và Gwendolyn Audrey Foster trong quyển A Short History of Film (tạm dịch là “Một lịch sử ngắn về điện ảnh”), thì vào giai đoạn này, trước sự nở rộ của hàng loạt studio cùng với sự khởi đầu của thời đại phim có âm thanh tại Hollywood, điện ảnh được phân chia rõ ràng thành ba khu vực. Theo đó, những phim loại A thường được quay với những ngôi sao điện ảnh và đạo diễn nổi tiếng cùng một lịch quay hoành tráng. Loại B bao gồm những phim kinh phí thấp, thường chỉ được quay trong vòng một đến hai tuần, sử dụng những “diễn viên dự bị” (second-string player) thuộc biên chế của các studio để cắt giảm kinh phí. Và cuối cùng là hạng C, phim ngắn, bao gồm cả các series dài và phim hoạt hình ngắn, được quay trong vòng chỉ một đến hai ngày với kinh phí cực thấp và những kịch bản đơn giản nhất. Dù vậy, ta vẫn thấy rằng có hẳn một dây chuyền, một “khuôn mẫu”, công thức sản xuất phim ngắn được hình thành trong thời kỳ này. Chính vì thế, có thể nói rằng, nhờ sự “cách li tương đối” đối với cuộc chiến bên kia đại dương, điện ảnh Mĩ tự do phát triển và phim ngắn cũng nhờ đó mà có cơ hội khẳng định và hoàn thiện diện mạo của mình.

Sau chiến tranh là giai đoạn hồi phục kéo dài từ năm 1945 đến năm 1970 với những trào lưu phát triển rất mạnh, bao gồm cả Tân hiện thực (Neorealism) ở Ý và Làn sóng mới (French New Waves) ở Pháp. Nếu như Tân hiện thực muốn xóa sạch dấu vết của điểm nhìn hiện thực mà chủ nghĩa phát-xít đã áp đặt trên khắp nước Ý thì Làn sóng mới muốn khơi dậy sức sáng tạo của thế hệ trẻ, một thế hệ muốn thoát khỏi mọi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh trước đó. Nói tóm lại, trong giai đoạn này, điện ảnh mang tính cách tân rất cao, mà tiên phong chính là phim ngắn. Kể từ năm 1947, phim ngắn chính thức được tham dự tranh giải trong Liên hoan phim Cannes. Và kể từ đó trở đi, hàng loạt giải thưởng danh giá được trao cho rất nhiều phim ngắn tham dự. Trong đó có phim của rất nhiều đạo diễn chịu ảnh hưởng từ trào lưu Làn sóng mới, một phong trào vốn có tầm ảnh hưởng rất rộng trên phạm vi toàn thế giới. Từ Làn sóng mới ở Pháp đã dẫn đến nhiều “làn sóng” đến từ nhiều nước khác như Ý, Nhật, Brazil, Mexico…phát triển mạnh mẽ trong suốt các thập niên 1950, 1960. Không chỉ có thế, vào khoảng cuối thập nhiên 1940, đầu thập nhiên 1950, còn có một hiện tượng nổi bật khác nữa. Đó chính là sự xuất hiện của một dạng phim ngắn đặc biệt, hình thành và phát triển mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Đó chính là những phim truyền hình với nhiều tập riêng lẻ, bao gồm thể loại hài tình huống (“situation comedy”, viết vắt là “sitcom”)và chính kịch hư cấu (“soap opera”, gọi tắt là “soup”). Tới đây, cần phải làm rõ sự khác biệt giữa thể loại nói trên và dạng phim truyền hình nhiều tập có chung nhiều tình huống nối tiếp từ tập trước sang tập sau, mà mỗi tập đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện. Theo đó, người xem phải xem đầy đủ tất cả các tập, nếu không sẽ rất khó để nắm bắt cốt truyện. Trong khi đó, dạng phim sitcom hay soup opera lại cởi mở hơn. Từng tập có thể tồn tại với một cấu trúc tự lập mà khi đem chiếu riêng bất kỳ tập nào, người xem vẫn có thể hiểu rõ trọn vẹn tình huống của mỗi tập đó.Chính nhờ tính độc lập tương đốimà dạng phim truyền hình này lại được xem như một bộ phận của phim ngắn. Theo đó, dù cho các tập phim được đặt trong một cốt truyện xuyên suốt, dù cho cuối mỗi tập có thể gợi mở tình huống để tập sau tiếp nối, nhưng xét về chỉnh thế, từng tập vẫn có sự cách li tương đối với những tập còn lại trong cùng một series. Trên thực tế, đã từng có rất nhiều những tập lẽ từ các series truyền hình dạng này được vinh danh tại các liên hoan phim danh giá nhất hành tinh, trong đó có cả giải Oscar và Cành Cọ Vàng. Cụ thể là những tập sau thuộc series Tom and Jerry, từng đoạt vị trí cao nhất ở hạng mục “Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất”: The Yankee Doodle Mouse (1943), Mouse Trouble (1944), Quiet Please! (1945), Johann Mouse (1953) hay những tập thuộc các series quen thuộc của Disney như Gấu Pooh, Mickey Mouse, Vịt Donal cũng nhiều lần lọt vào danh sách đề cử. Ở Liên hoan phim Cannes thì nổi bật nhất có hai trường hợp: tập phim Canada Vignettes: The Performer (1980) thuộc series Canada Vignettes đến từng Canada, từng đoạt Giải thưởng của hội đồng giám khảo (Prix du Jury) hay như tập An Occurrence at Owl Creek Bridge thuộc series The Twilight Zone của Mĩ đã từng cùng lúc đoạt giải tại Cannes lẫn Oscar. Chính những giải thưởng danh dự này đã khẳng định những tập thuộc các series phim lẻ hoàn toàn có đủ phẩm chất nghệ thuật để được xem như một phim ngắn thực thụ. Ngoài ra, do được công chiếu rộng rãi trên truyền hình nên dạng phim này nhanh chóng được ưa chuộng và thường rất nổi tiếng, được mọi tầng lớp xã hội biết đến. Chúng đã tạo nên một trào lưu mạnh mẽ, kéo dài đến tận ngày nay.

Rồi vào những năm 1970 tiếp sau đó, điện ảnh lại một lần nữa gặp được cơ hội ngàn vàng để cách tân chính mình: sự bùng nổ công nghệ toàn cầu, đặc biệt là công nghệ thông tin. Và lần này, phim ngắn chính là thể loại tận dụng được nhiều nhất từ cơ hội đó. Như chúng ta đã biết, từ cuối thế kỉ XX, công nghệ điện tử dần phát triển. Internet bắt đầu nhen nhóm rồi bùng nổ, tạo nên một hình thức giao tiếp mới, một thị trường mới. Bên cạnh phát hành phim dưới dạng DVD, người dùng có thể tải xuống trực tiếp qua đường truyền cáp quang, thưởng thức bất cứ lúc nào. Điều này trước tiên mở rộng đối tượng và số lượng khán giả của điện ảnh. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, thời đại kỹ thuật số và Internet còn biến phim ảnh trở thành một sản phẩm của mọi người, không giới hạn hoạt động sản xuất trong giới chuyên môn. Chỉ cần một chiếc máy quay cầm tay, và một vài phần mềm đơn giản, ai cũng có khả năng làm phim được. Điều này đem đến điều kiện để cho phim ngắn được sáng tạo nhiều hơn, bởi khi bắt tay tập tành làm phim, chắc chắn rất nhiều người sẽ chọn phim ngắn để thử nghiệm trước khi bắt tay vào một kế hoạch dài hơi với phim truyện nhựa, thứ đòi hỏi sự đầu tư lâu dài hơn, bài bản hơn. Không chỉ có thế, thời đại này còn tạo ra một sự phục hưng thật sự cho phim ngắn, giúp thể loại này tìm lại thời đại hoàng kim của mình.

Cụ thể là, bên cạnh việc chủ thể sản xuất được mở rộng do những bước tiến của kỹ thuật công nghệ, Internet còn tạo ra một môi trường để giới thiệu phim ngắn đến một đối tượng khán giả tiềm năng khổng lồ: bất kỳ ai sử dụng mạng truyền thông. Trong khi đó, phim ngắn lại có được những phẩm chất hoàn toàn thích hợp với thị hiếu của những đối tượng này. Chúng tôi có thể phát biểu như vậy là bởi vì, trên thực tế, khi Internet phát triển, ngay lập tức nó được các công ty thương mại, truyền thông tận dụng để tạo thành một thế giới thông tin khổng lồ. Từ đó, mạng Internet dần được cấu trúc thành một “thế giới ảo”, tràn ngập thông tin và người dùng có thể tự quyết định đọc bất cứ thứ gì mình muốn. Để tranh thủ lọt vào mắt người lướt web, các nhà viết tin trên mạng mới tạo ra một loại hình, một dạng khuôn mẫu thông tin ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn để tăng tối đa khả năng được người đọc nhìn thấy. Và nhờ đó, góp phần hình thành một thói quen khi lướt web của người dùng Internet. Đó chính là thói quen ưa chuộng những mẩu-thông-tin-cỡ-nhỏ. Với điện ảnh, phim ngắn tuyệt đối phù hợp với yêu cầu này. Nhờ sự tương hợp đó, phim ngắn ngày càng nở rộ trên Internet bởi khả năng được trình chiếu, và được xem là không giới hạn. Chưa kể, các trang web chuyên dành cho video như Youtube, Dailymotion hay Metacafe còn tuyệt đối hóa tiềm năng này cho phim ngắn. Fabien Riggall, người sáng lập công ty phim ngắn Future Shorts đã từng tuyên bố: “Chúng tôi có được một triệu lượt xem hàng tháng trên Youtube”.

Có thể nói, nhờ sự thích hợp về mặt dung lượng thể loại, sự mở rộng chủ thể sản xuất và đối tượng khán giả tiềm năng mà phim ngắn đang dần được người xem quan tâm nhiều hơn. Mặc dù việc trình chiếu phim ngắn tại các rạp còn chưa mạnh mẽ, đa số chỉ dừng lại ở những đợt chiếu tập trung các phim ngắn đoạt giải, nhưng chính việc tận dụng được tối đa tiềm năng của Internet đã cho ta một niềm hy vọng rằng, không lâu nữa, đối tượng quan tâm đến phim ngắn sẽ ngày càng nhiều và lịch sử phim ngắn nay mai sẽ được nối dài bởi những trang huy hoàng, tựa như thời đại hoàng kim ở buổi đầu của điện ảnh thế giới.

(Trích từ “Tìm hiểu thế loại phim ngắn” – 2013)

Cú Mù – Thiên Huân