Lời khuyên của Akira Kurosawa dành cho các đạo diễn trẻ


Mình lược dịch từ một clip ngắn phỏng vấn Akira Kurosawa. Vì low-tech quá nên không biết làm sub, đành viết ra như này vậy.

“Có một điều mà tôi luôn nhấn mạnh với các đạo diễn thường gõ cửa nhà mình, đó là thời đại này chúng ta tốn rất nhiều tiền để làm một bộ phim và trở thành đạo diễn là một công việc khó khăn. Bạn phải học và trải nghiệm vô vàn thứ để làm đạo diễn. Điều đó không dễ thực hiện chút nào. Nhưng nếu bạn thực sự muốn làm phim, trước tiên hãy viết kịch bản. Tất cả những gì bạn cần để viết một kịch bản là giấy và bút chì. Chỉ thông qua việc viết kịch bản, bạn mới học được những đặc trưng trong cấu trúc của một bộ phim và hiểu được điện ảnh là gì.

Đó là điều mà tôi nói với các đạo diễn trẻ nhưng họ vẫn không chịu viết. Họ thấy viết là một việc quá khó khăn. Rõ ràng là như vậy. Viết kịch bản quả thực là một công việc gian khổ.

Balzac nói với những người viết, bao gồm cả tiểu thuyết gia, điều quan trọng và cần thiết nhất đó là kiên nhẫn đối mặt với nhiệm vụ chán ngắt: viết từng từ một. Đó là yêu cầu đầu tiên đối với bất cứ người viết nào. Khi bạn ngẫm nghĩ số lượng tác phẩm của Balzac, bạn sẽ choáng váng đấy. Bởi vì ông ấy sáng tác một số lượng tác phẩm mà chúng ta dành cả đời cũng không thể đọc hết được.

Bạn biết Balzac viết như thế nào không? Thú vị lắm nhé. Ông ấy viết sơ sơ rồi gửi đến nhà in ngay lập tức. Mỗi trang sẽ được in trên một tờ giấy lớn như thế này. Sau đó Balzac mang xấp giấy đó về nhà, xem xét và sửa ở bên lề giấy đến mức rất ít chi tiết trong bản gốc được giữ lại. Đó là một cách sáng tác hiệu quả mặc dù nó gây vất vả cho các nhà in.

Đây có thể là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Balzac, nhưng điều cốt yếu là phải biết kiên nhẫn viết từng từ một cho đến khi bạn đạt được độ dài theo yêu cầu. Quá nhiều người thiếu kiên nhẫn làm việc này. Chỉ khi bạn quen với nó, bạn mới có thể viết mà không gặp khó khăn gì. Bạn chỉ cần giấy và bút chì để viết kịch bản thôi.

Khi tôi và Mikio Naruse cùng ngồi viết trong một quán trọ, tôi thường ghé thăm phòng anh ấy. Naruse để sẵn giấy và bút chì trên bàn. Mỗi khi chúng tôi nói chuyện, thỉnh thoảng anh ấy sẽ ghi chép gì đó. Những ghi chép đó đã biến thành những kịch bản xuất sắc của Naruse.

Đây là một câu chuyện khôi hài. Khi tôi hỏi Naruse liệu tôi có thể xem anh ấy đang viết gì hay không, Naruse chỉ cười khúc khích. Anh ấy viết những nhân vật này đang làm gì đó ở trong một căn phòng. Chỉ là ‘làm gì đó’! Không có gì đặc biệt? Với Naruse, diễn đạt như thế là đủ bởi vì anh ấy sẽ đạo diễn bộ phim đó, anh ấy không cần những thứ quá chi tiết. Nhưng cách viết ‘làm gì đó’ thật là hài hước.

Khi bạn đã quen với công việc viết lách tẻ nhạt, nếu bạn ngồi xuống và yên lặng viết cả ngày, bạn sẽ viết được ít nhất hai hoặc ba trang. Kể cả khi gặp trở ngại và nếu bạn vẫn tiếp tục viết, cuối cùng bạn sẽ viết được vài trăm trang. Tôi nghĩ giới trẻ ngày nay không nhận ra điều đó. Họ bắt đầu và muốn về đích ngay tức khắc.

Khi bạn leo núi, điều đầu tiên bạn được dặn là đừng nhìn lên đỉnh núi và hãy nhìn đường đi trong lúc leo. Bạn chỉ có thể kiên trì leo từng bước một. Nếu bạn cứ nhìn lên đỉnh núi, bạn sẽ sớm thất vọng. Tôi nghĩ viết lách tương tự như vậy. Bạn cần quen với công việc viết lách. Bạn phải nỗ lực học hỏi để coi nó là một thói quen chứ không còn là công việc vất vả, cực nhọc. Nhưng đa số đều bỏ cuộc giữa chừng.

Tôi nói với các đạo diễn trẻ là nếu họ bỏ cuộc một lần thì họ sẽ còn bỏ cuộc lần nữa. Tôi bảo họ bằng mọi cách hãy viết cho hết và đừng từ bỏ cho dù gặp chướng ngại khi đã đi được một nửa chặng đường. Nhưng mà cứ khi nào mọi thứ khó khăn một chút là họ đầu hàng.

Thêm một vấn đề nữa, giới trẻ bây giờ không đọc sách. Tôi nghĩ không nhiều người trong số họ đọc nhiều tác phẩm văn học Nga. Quan trọng là họ cần đọc ít nhất một số lượng tác phẩm. Nếu bạn không dự trữ kiến thức, bạn không thể sáng tạo ra cái gì cả. Đó là lý do vì sao tôi thường nói sáng tạo bắt nguồn từ trí nhớ. Bạn không thể sáng tạo khi đầu óc rỗng tuếch. Cho dù đó là đọc sách hay trải nghiệm cuộc sống, chỉ khi có trí nhớ, có ký ức thì bạn mới biết cách sáng tạo. Chăm đọc nhiều thứ rất quan trọng. Văn học đại chúng cũng ổn, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần đọc thêm cả văn học kinh điển nữa”.

 

~ oOo ~

Nhìn chung, lời khuyên của Akira Kurosawa gồm có: tự viết kịch bản, đọc nhiều sách (đặc biệt là văn học kinh điển) và kiên nhẫn. Đối với những người thích viết nói chung và viết điểm phim nói riêng, những lời khuyên này cũng hữu ích không kém. Đọc sách để mở rộng vốn từ, viết đúng chính tả, biết cách diễn đạt, bổ sung kiến thức. Tiếp theo là viết, viết và viết. Cuối cùng, hãy kiên nhẫn với nó, biến nó không chỉ là sở thích mà còn là thói quen của mình.

Ngoài ra, trên YouTube còn có phim tài liệu A message from Akira Kurosawa (phụ đề tiếng Anh), cụ Kurosawa đưa ra rất nhiều lời khuyên hay về 10 vấn đề trong quá trình làm phim. Rất đáng xem đấy nhé!

07.11.2020

Hạnh Tâm