Liệu có thể nhìn nhận Rashomon của Akira Kurosawa như một tuyệt tác độc lập?


Người thầy đầu tiên của cô Lê Vân hướng dẫn cô khi mới vào nghề là hãy chọn tác phẩm (điện ảnh) có giá trị nghệ thuật văn học. Mình nghĩ đây là một cách tư duy rất hay.

Từ trước đến giờ, mình chỉ nhìn nhận phim ảnh trong mối quan hệ với chính nó và trong phạm trù điện ảnh. Nếu so sánh phim với một loại hình nghệ thuật khác, thông thường sẽ là kịch (nhưng mình không xem kịch). Còn xem một bộ phim như một tác phẩm văn học hoặc dưới dạng văn bản thì mình chưa bao giờ nghĩ đến.

Giờ thì mình đã nghĩ đến rồi và cảm thấy cách tiếp cận này mở ra nhiều góc nhìn thú vị. Trong thời gian tới xem phim, mình sẽ thử tiếp cận ở khía cạnh này xem sao. Coi như đây là một cách làm mới bản thân trong quá trình xem phim luôn.

Nhắc đến mối liên hệ giữa điện ảnh và văn học, chủ đề đầu tiên mình nghĩ đến là “chuyển thể”, “dựa trên một tác phẩm văn học”. Thông thường, khán giả sẽ so sánh liệu phim có bám sát nguyên tác không, phim có truyền tải đủ nội dung, tinh thần và ý nghĩa của câu chuyện hay không, diễn viên có giống miêu tả trong truyện không, v.v…

Nhìn chung là khán giả – đa số là người đã đọc truyện – sẽ đánh giá bộ phim dựa trên trải nghiệm đọc truyện trước đó hơn là nhìn nhận bộ phim như một tác phẩm độc lập. Và những đánh giá này, xem ra là chê nhiều hơn khen, hoặc là đọc truyện vẫn thấy hấp dẫn hơn.

Image may contain: 1 person, sitting and outdoor

Dạo gần đây mình đang xem thêm phim của Akira Kurosawa. Có một số phim của cụ dựa trên tác phẩm văn học. Bài viết này mình sẽ nói về trường hợp của Rashomon.

Rashomon dựa trên truyện ngắn Trong Rừng Trúc của Ryunosuke Akutagawa. Vì nội dung khá ngắn nên Akira Kurosawa đã kết hợp thêm truyện ngắn Rashomon cũng của Akutagawa.

Chắc hẳn sẽ có nhiều người cho rằng Rashomon của Akira Kurosawa thành công là bởi ông tái sử dụng chất liệu của Ryunosuke Akutagawa, những suy tư và câu hỏi triết học của Akira Kurosawa cũng chỉ là truyền tải lại ý tứ của Ryunosuke Akutagawa, v.v… Để giải đáp những thắc mắc này, chúng ta cần đọc truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa.

(Hai truyện ngắn này đều có sẵn trên mạng. Ở đoạn dưới đây, mình sẽ cố gắng không tiết lộ nội dung hoặc những chi tiết chính của truyện ngắn).

Sau khi đọc xong 2 truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa, mình sẽ đánh giá truyện và phim dựa trên hai góc nhìn: (1) – So sánh nội dung Trong Rừng Trúc và phim Rashomon, (2) – Dựa vào truyện ngắn Rashomon để so sánh những suy tư, nhân sinh quan của Akira Kurosawa và Ryunosuke Akutagawa. Từ 2 góc nhìn này thì mình sẽ trả lời cho câu hỏi “Liệu có thể đánh giá, nhìn nhận Rashomon của Akira Kurosawa như một tuyệt tác độc lập hay không?”.

Trong Rừng Trúc được xem là tiến trình phát triển của Rashomon. Truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa viết theo lối trần thuật, ngắn gọn, và chỉ dừng đến lời kể của người chồng. Thựic sự mà nói, muốn đưa truyện ngắn này lên phim quả thực rất khó, nhưng Akira Kurosawa đã làm được. Ông đã gói gọn nội dung Trong Rừng Trúc thông qua lời kể của các nhân vật, sáng tạo thêm hội thoại, kết hợp cách làm phim (diễn xuất, góc máy quay, ánh sáng,…) để tạo ra một phiên-bản-điện ảnh hoàn chỉnh bám sát nguyên tác văn học.

Nhưng Akira Kurosawa không dừng lại ở đó. Ông đã mở rộng câu chuyện từ lúc mở đầu cho đến kết thúc. Mở đầu phim, ông đã úp mở nội dung câu chuyện mình muốn kể và từng bước dẫn dắt người xem. Ở những cảnh cuối, ông đã để gã tiều phu kể thêm một phiên bản khác (chi tiết này không có trong truyện). Phiên bản kể thêm này rất logic, đầy ngẫu hứng và bất ngờ. Một mặt nó kéo dài thời lượng của bộ phim, mặt khác nó đã đẩy câu chuyện Trong Rừng Trúc đi xa hơn, phát triển hơn, chứng tỏ khả năng đọc hiểu tác phẩm cũng như sự sáng tạo của Akira Kurosawa.

Chaidhanya on Twitter: "#Rashomon by Kurosawa. A brilliant visual ...

Thực ra, chỉ cần sử dụng Trong Rừng Trúc là đủ để giải quyết góc nhìn thứ (2) và trả lời cho câu hỏi lớn kia rồi. Nhưng mình chỉ dùng nó để so sánh nội dung chính giữa truyện và phim, cũng như dùng Rashomon làm tiền đề cho góc nhìn thứ (2) bởi vì 3 lí do này:

Thứ nhất, những vấn đề như “Ai mới là người nói dối? Tại sao người ta nói dối? Mục đich nói dối là gì?” đã được mổ xẻ rất nhiều trong Rashomon nên mình sẽ không đề cập đến nữa. Thứ hai, nhân sinh quan của Akira Kurosawa không chỉ nằm ở những câu hỏi mang tính triết học kia. Thứ ba, Rashomon của Akira Kurosawa và Ryunosuke Akutagawa quả thực khác nhau.

Rashomon của Ryunosuke Akutagawa kể về một tên nô bộc mất việc trú mưa trong cánh cổng đổ nát Rashomon. Hắn đang đứng ở lằn ranh giữa cái thiện và cái ác, liệu nên giữ bản thân trong sạch dù có phải chịu đói chịu khát hay là cứ ra tay làm điều bất lương để duy trì sự sống qua ngày giữa bối cảnh lầm than, loạn lạc của thời Heian.

Rashomon của Akira Kurosawa cũng mở đầu như vậy, song những trăn trở về lằn ranh của ông được thể hiện nhiều thông qua cuộc đối thoại của nhà sư và gã tiều phu. Đặc biệt là phần mở rộng câu chuyện liên quan đến gã tiều phu khi hắn chứng kiến vụ án Trong Rừng Trúc nhưng không nói ra sự thật, đã vậy hắn còn lấy con dao khảm ngọc của người vợ nữa.

Lưu ý một chút, lằn ranh giữa thiện – ác, đạo đức – bất lương đều được thể hiện qua những chi tiết rất đời thường cả ở trong truyện và phim, chỉ là Akira Kurosawa và Ryunosuke Akutagawa đã lựa chọn tình huống và cách kể chuyện khác nhau.

Trong truyện ngắn Rashomon của Ryunosuke Akutagawa, cuối cùng gã nô bộc đã ăn cướp chiếc áo kimono của một bà cụ già gầy trơ xương. Chi tiết này đã được Akira Kurosawa đem lên phim, ông chỉ thay đổi một chút đây là chiếc áo bọc đứa trẻ sơ sinh bị bỏ lại ở cổng Rashomon.

Từ đoạn kết sẽ thấy nhân sinh quan khác biệt của Ryunosuke Akutagawa và Akira Kurosawa. Rashomon của Ryunosuke Akutagawa phản ánh hiện thực tăm tối, bi quan và không lối thoát. Trái lại, Rashomon của Akira Kurosawa tươi sáng, lạc quan và tràn đầy hy vọng. Nó được thể hiện qua chi tiết gã tiều phu đem đưa trẻ bị bỏ rơi về nuôi, nhà sư khôi phục lại niềm tin về con người, và sau cơn mưa thì trời lại sáng.

Như vậy, có thể thấy, Rashomon của Akira Kurosawa đủ tầm vóc để trở thành một tác phẩm độc lập và tách biệt với truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa. Nếu nói Akira Kurosawa “vay mượn” ý tứ của Ryunosuke Akutagawa, chi bằng nên nói ông hiểu Ryunosuke Akutagawa và cả hai người đều có chung quan điểm.

Song, Akira Kurosawa vẫn có những lý giải riêng. Ông chỉ bám sát truyện ngắn và ý tứ của Ryunosuke Akutagawa ở một chừng mực nào đó. Thay vì bị cuốn vào thế giới riêng của Ryunosuke Akutagawa, Akira Kurosawa vẫn giữ thái độ của một người đứng ngoài cuộc. Ông thấu hiểu Ryunosuke Akutagawa, đồng thời cho phép bản thân có cách lý giải riêng và để nhân sinh quan dẫn dắt mình tạo ra một tác phẩm riêng biệt.

Do đó chúng ta không cần đọc truyện của Ryunosuke Akutagawa để so sánh truyện và phim làm gì. Chỉ cần xem Rashomon của Akira Kurosawa là đủ băn khoăn, suy ngẫm và thưởng thức nó như cách mà bao nhiêu năm qua khán giả vẫn làm.

Viết xong rồi tự dưng mình nhớ đến câu nói này của Picasso: “Good artists copy, great artists steal”. Mà viết xong rồi càng thấy yêu Rashomon và Akira Kurosawa hơn nữa í. 

Hạnh Tâm

05.07.2020