ShortFilm Project – Khái niệm phim ngắn


Short Film Project

~oOo~

1. Định nghĩa phim ngắn

Phim ngắn (short films) vốn có một lịch sử phát triển dài và nhiều thăng trầm. Thậm chí đến ngày nay, thể loại này vẫn chưa có được bất kỳ một định nghĩa nào rõ ràng và thống nhất. Được đặt trong mối tương quan với phim truyện (feature films), người xem thường hình dung phim ngắn một cách hết sức chung chung. Nếu như một phim truyện thông thường có độ dài tối thiểu nằm trong khoảng một giờ đồng hồ thì thời lượng của một phim ngắn thường được cho là sẽ phải thấp hơn độ dài đó, nghĩa là từ 60 phút đổ xuống. Nhưng rất ít người chấp nhận quy chuẩn này bởi nó hết sức mơ hồ, thiếu rạch ròi. Nếu phân chia một cách cứng nhắc như vậy thì chỉ cần hơn kém vài phút, một phim ngắn có thể trở thành phim truyện và ngược lại. Chính vì thế, việc xác định chính xác thời lượng cho hai thể loại này là khá phức tạp. Tuy nhiên, các nhà làm phim lại có một giải pháp hết sức đơn giản, đó chính là khi xác định sẽ sản xuất một bộ phim ngắn hay phim truyện, họ thường lựa chọn những “khung” thời lượng phổ biến của từng thể loại để tránh sự nhập nhằng trong công tác quảng bá và trình chiếu. Nếu như thời lượng phổ biến ấy trong phim truyện là khoảng 90 phút thì trong phim ngắn thường được cắt giảm từ dưới 60 phút xuống còn khoảng 45 phút, nghĩa là bằng một phần hai phim truyện, một khoảng cách lí tưởng đủ để khu biệt hai thể loại này. Hiện nay, trong các ấn phẩm nghiên cứu, xuất bản về phim ngắn, chúng ta dễ thấy xuất hiện rất nhiều cách phân định dung lượng của thể loại này, nhưng tập trung thành 3 xu hướng chính. Thứ nhất, định nghĩa phim ngắn như một thể loại có độ dài từ 15 phút trở xuống, nghĩa là bằng với những phim ngắn thời kỳ đầu, vốn không thể dài quá một cuộn (cũng xấp xỉ khoảng 14 phút), theo như từ điển thuật ngữ điện ảnh trên website của trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc tế Eicar (The International Film and Television School). Thứ hai, thời lượng của phim ngắn được giới hạn trong vòng 30 phút trở xuống. Quan niệm này khá phổ biến, xuất hiện trong quyển In short: A Guide to Short Film–making in the Digital Age của Eileen Elsey và Andrew Kelly, trong bách khoa toàn thư điện ảnh, The Film Encyclopedia của Ephraim Katz và rất nhiều những bài báo khác[33]. Và cuối cùng là cách được công nhận nhiều nhất bởi các liên hoan phim và giải thưởng danh tiếng trên thế giới, định nghĩa phim ngắn như một thể loại có độ dài tối đa lên đến 40–45 phút. Cụ thể là đã có rất nhiều hội đồng chuyên môn hay cơ sở dữ liệu điện ảnh đã cùng chia sẽ quan điểm này này với nhiều tương đồng và khác biệt.

Trước tiên, ta cần đề cập đến một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh được trao tặng bởi hội đồng chuyên môn đến từ nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay. Đó chính là Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kì (thường được gọi tắt là Academy Awards hay Oscar). Hội đồng xét duyệt của giải thưởng này đã đưa ra những quy định sau dành cho những phim ngắn dự giải: “Phim ngắn được định nghĩa là những tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh với độ dài từ 40 phút trở xuống, bao gồm cả phần thông tin giới thiệu phim.” (“A short film is defined as an original motion picture that has a running time of 40 minutes or less, including all credits.”)[17]. Định nghĩa này cũng tương tự như quy định của Giải thưởng Viện Hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Anh (British Academy of Film and Television Arts Awards), thường được gọi tắt là BAFTA. Trong khi đó, Liên hoan phim Cannes (Festival de Cannes) được tổ chức thường niên tại Cannes (Pháp) lại chỉ chấp nhận thời lượng tối đa cho một phim ngắn tham dự là 35 phút. Ngoài ra, tại trang IMDb (Internet Movie Database), một trong những cơ sở dữ liệu điện ảnh lớn nhất hiện nay trên Internet, đã dựa trên tiêu chí sau để khu biệt phim ngắn: “Phim ngắn bao gồm tất cả các phim chiếu rạp hay các tựa phim chép đĩa với thời lượng ít hơn 45 phút, nghĩa là từ 44 phút trở xuống, hay các series truyền hình, phim truyền hình với độ dài ít hơn 22 phút, nghĩa là từ 21 phút trở xuống. Một chương trình truyền-hình-nửa-giờ sẽ không được xem như một phim ngắn.” (“Short films are any theatrical film or made-for-video title with a running time of less than 45 minutes, i.e., 44 minutes or less, or any TV series or TV movie with a running time of less than 22 minutes, i.e. 21 minutes or less. A “half-hour” television program should not be listed as a Short.”)[38]. Chúng ta có thể thấy rằng, với mục tiêu xây dựng một kho lưu trữ thông tin đồ sộ về tất cả các phim được sản xuất từ cổ chí kim, IMDb đã có sự phân định rạch ròi về thời lượng của các phim ngắn. Ngoài ra, ở kênh thông tin này còn có sự phân chia các thành phần thuộc bản thân thể loại phim ngắn. Nói cách khác, IMDb đã có sự phân biệt giữa phim ngắn được chiếu trên truyền hình, phim ngắn chiếu rạp, phim ngắn được chép đĩa, các dạng chương trình truyền hình với khung thời gian nửa giờ. Điều này làm nảy sinh một vấn đề khác nằm ngoài dung lượng. Đó chính là nội hàm cụ thể của khái niệm “phim ngắn” có thể bao gồm những gì? Phim truyền hình, series truyền hình, phim tài liệu, phim giáo dục, video ca nhạc (music videos)…có được xem là phim ngắn hay không?

Có rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc khác định nội hàm của khái niệm phim ngắn. Trong quyển In Short: A Guide to Short Film-making in Digital Age của Eileen Elsey và Andrew Kelly, các tác giả tuyên bố chỉ khảo sát phim tự sự ngắn, video ca nhạc và các clip quảng cáo, thương mại, bỏ qua các dạng phim ngắn giáo dục trẻ em, phim ngắn trừu tượng của trào lưu avant-garde (một trào lưu nghệ thuật của Châu Âu mà chúng tôi sẽ đề cập ở những phần sau), và phim tài liệu ngắn. Ngay cả tại các giải thưởng cũng có sự khác nhau trong việc xác định phạm vi của thể loại này. Nếu như Oscar chia phim ngắn thành ba dạng: phim tài liệu ngắn, phim hoạt hình ngắn và phim ngắn quay thực (tạm dịch khái niệm “live-action short films”) với ghi chú rõ ràng rằng: “Phim tài liệu ngắn sẽ không được chấp nhận trong hạng mục phim ngắn quay thực” (“Document short subjects will not be accepted in the live action category”). Tương tự, trong quy chế tham dự giải BAFTA, ở hạng mục phim ngắn cũng có lưu ý như sau: “Những phim này phải là hư cấu.” (“The film must be fiction”) nhưng lại có dòng chú tiếp theo sau đó nhằm nới lỏng quy định trên, phòng trường hợp có những ngoại lệ nhất định: “Hội đồng xét duyệt có thể sử dụng quyền hạn của mình để chấp nhận những nội dung có kịch bản căn cứ trên sự thực.” (“However, the jury may use its discretion to accept dramatised factual subjects.”). Điều đó cho thấy rằng, tùy theo tiêu chí của mình, người khảo sát có thể xác định nhiều nội hàm khác nhau cho khái niệm “phim ngắn”. Riêng trong phạm vi đề tài này, với định hướng quan sát phim ngắn như một thể loại độc lập với những tiêu chí nghệ thuật nhất định, chúng tôi cũng đưa ra cho mình một phạm vi cụ thể cho khái niệm “phim ngắn”. Theo đó, để đảm bảo tính vô vị lợi của một loại hình nghệ thuật, chúng tôi không khảo sát những loại video clip ngắn được sản xuất vì những mục đích phi nghệ thuật. Theo đó, những dạng video ca nhạc, quảng cáo, tuyên truyền, giáo dục…đều được đặt ngoài phạm vi khảo sát.
Nói tóm lại, từ đây cho đến hết đề tài, khi nhắc đến khái niệm phim ngắn, chúng tôi xin thống nhất đó là những phim có độ dài từ 45 phút trở xuống, bao gồm phim tự sự ngắn, phim tài liệu ngắn và các loại phim thể nghiệm nghệ thuật. Cụ thể các dạng phim ngắn được sản xuất để trình chiếu trên màn ảnh rộng (chiếu kèm phim truyện hay chiếu theo tập hợp nhiều phim ngắn), trên truyền hình (các dạng series nhiều tập với từng tập có nội dung tương đối độc lập, thường được gọi là “sitcom” hay “soap opera”) hay trên mạng Internet (đa phần là các phim nghiệp dư, do những người yêu thích điện ảnh, sinh viên chuyên ngành tự sản xuất). Ngoài ra, chúng tôi không xét đến bất kỳ dạng video clip ngắn nào nằm ngoài ngoại diên đã xác định.

2. Phim ngắn trong tương quan với video ngắn

Chúng ta thường nghe đến khái niệm “video ngắn”(hay video clip, gọi tắt là clip) thường được nhắc đến nhiều trong đời sống hằng ngày, ví dụ như “clip ca nhạc”, “clip phóng sự”, “clip phỏng vấn”, “clip quảng cáo”… Từ điển Longman định nghĩa về khái niệm này như sau: “một (trích) đoạn ngắn của một bộ phim hay một chương trình truyền hình, được thể hiện một cách độc lập, điển hình là những mẫu quảng cáo” (“a short part of a film or television programme that is shown by itself, especially as an advertisement”). Qua đó, ta có thể thấy rằng một “clip” sẽ có hai tính chất, thứ nhất là tính ngắn, thứ hai là tính độc lập. Vậy, với những tính chất tương tự, liệu phim ngắn có gì khác so với một video clip?

Trước hết, về tiêu chí “ngắn”, chúng tôi sẽ xét cả hai thể loại này trên hai phương diện: thời lượng và nội dung thể hiện. Nhìn chung,giữa phim ngắn và các dạng video ngắn không có nhiều sai biệt về mặt thời lượng, chủ yếu đều từ vài phút đến khoảng 40 phút. Tuy vậy, do hầu hết video ngắn đều mang tính chất thời sự, giới thiệu, quảng cáo, đậm tính minh họa và ít chú trọng đến giá trị nghệ thuật nên chúng thường rất ngắn, chỉ tầm vài phút, đôi khi chỉ vài chục giây, thường thấy ở các video quảng cáo. Phim ngắn thì ngược lại, chỉ có những phim dạng thể nghiệm, có kết cấu đặc biệt, mới được sản xuất với thời lượng cực ngắn để tạo hiệu ứng nghệ thuật (thường được gọi là phim cực ngắn). Còn đa phần phim ngắn, do mang tính tự sự nên thời lượng phải vừa đủ để kể, truyền tải thông điệp và ý tưởng cốt truyện,nghĩa là phải ở tầm 10 phút trở lên.

Về mặt nội dung thể hiện, tính “ngắn” giữa video clip và phim ngắn có một sự khác biệt rõ rệt. Chúng ta thường hay gọi các đoạn ghi hình phóng sự, phỏng vấn, ca nhạc, quảng cáo sản phẩm hay giới thiệu phim ảnh (còn được gọi là trailer hay teaser) là clip, chứ không ai gọi chúng là phim ngắn cả. Và ngược lại, ta cũng không thể gọi một phim ngắn là clip được. Như vậy, tuy rằng phim ngắn và video clip tương tự nhau về mặt thời lượng, nhưng ranh giới về mặt nội dung vẫn tách chúng thành hai thể loại biệt lập. Nội dung của video clip thường mang tính xã hội và tính đại chúng cao. Chúng xoay quanh những vấn đề thời sự, đời thường, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Vì cứu cánh của video ngắn là quảng cáo sản phẩm, cung cấp thông tin, phổ cập tri thức… nên nội dung của các clip luôn có phần đơn giản, dễ tiếp thu, dễ phân tích, thẩm thấu. Tính ngắn của video clip là ngắn theo nghĩa đen, bởi chúng là những mẫu tin nhỏ, những mẫu quảng cáo nhỏ vốn không thể được làm một cách dài dòng và rối rắm. Chúng cần sự ngắn gọn, nhanh chóng, bộc trực; cần được cắt gọt sao cho vừa vặn để thông tin được truyền tải một cách đầy đủ nhất nhưng không dư thừa, nhàm chán. Và vì thế nên chúng ngắn. Cái ngắn của video clip là cái ngắn đơn thuần bởi yêu cầu thực tế, bởi mục đích thương mại. Trong trường hợp của các video ca nhạc, độ dài của ca khúc cũng chính là yếu tố quyết định tính ngắn của video clip. Ngược lại, phim ngắn, với tư cách là một thể loại thuộc nghệ thuật điện ảnh, hẳn nhiên nội dung của chúng không được xây dựngđơn giản, không mang tính phổ biến nhiều như các video clip. Phim ngắn phải có một kết cấu hoàn chỉnh, hay đơn giản là một kịch bản mang tính hình tượng cao,giàu tính sáng tạo. Đối tượng thưởng thức phim ngắn không đại trà, đó là một lớp công chúng có thị hiếu thẩm mĩ ở một mức độ nhất định, vừa đủ để có thể tiếp nhận được những tín hiệu nghệ thuật từ các hình tượng điện ảnh trong phim ngắn. Phim ngắn cũng không mang nặng tính quảng cáo, quảng bá, không bị quy định bởi thị trường thương mại. Thay vào đó,việc chuyển tải nội dung nghệ thuật được đặtlên hàng đầu. Đối lập với video clip, yếu tố “ngắn” ở phim ảnh được tạo nên bởi sự ẩn dụ cô đọng trong các hình tượng nghệ thuật. Chúng ta cần hiểu rằng,dung lượng ngắnở đây không chỉ đơn thuần được đánh giá dựa vào tư duy đo lường, không chỉ là về vấn đề thời lượng, không bó hẹp trong tương quan của những độ dài khác nhau, mà đó chính là đặc trưng cho sức nén mạnh mẽ tiềm tàng mà thể loại đặc biệt này có được. Phim ngắn tạo cho người xem cảm giác ngắn, không phải vì chúng ngắn thực, mà là vì chúng còn nói rất nhiều điều thông qua vỏn vẹn mấy mươi phút ấy. Chính cái lực nén cô đúc kia đã làm nên giá trị nghệ thuật đặc thù cho phim ngắn, khiến chúng trở thành một thể loại riêng biệt giữa nhiều thể loại nghệ thuật khác.

Với những đặc tính về nội dung khác biệt nhau, phim ngắn và video clip cũng có những cách thức riêng, những lối kể riêng, những kỹ thuật riêng để phục vụ cho việc truyền đạt ý tưởng của mình. Ở video ngắn, tiêu chí đầu tiên đối với kỹ thuật điện ảnh là phải làm sao để nội dung cần truyền tải đến được mắt và tai của người xem một cách nhanh gọn nhất, trực tiếp nhất. Lời thoại cũng dễ hiểu, các nhân vật mang tính cách đơn giản, tâm lý không phức tạp. Ngôn ngữ của một video ngắn thiên về tính thông tin, tính minh họa. Riêng vớiclip ca nhạc, chúng ta có thể thấy hình ảnh là một sự minh họa trực tiếp cho lời bài hát, làm sao để người xem thêm cảm xúc về bài hát ấy. Chính yếu tố cảm xúc này đã khiến các video ca nhạc phần nào có khí chất nghệ thuật. Do đó, chúng cũng được xem như một thể loại riêng, ngày càng được đầu tư khá kỹ lưỡng về mặt kịch bản, tuy vậy chúng ta vẫn không thể gọi đó là phim ngắn, bởi ngôn ngữ chủ đạo của các music video vẫn là âm nhạc, là ca từ, là giai điệu thay vì lời thoại và diễn biến tâm lí, tình huống như trong điện ảnh chính thống. Và quan trọng hơn hết, mục tiêu cuối cùng của video ca nhạc vẫn là quảng bá cho bài hát, cho ca sĩ, một dụng ý mang đậm tính thương mại, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Còn ở phim ngắn, đó là một đẳng cấp khác biệt về việc quay phim, cắt dựng… Bởi đòi hỏi của phim ngắn khác hẳn với video clip. Yêu cầu cao hơn về giá trị nghệ thuật buộc người làm phim phải nghiêm túc trăn trở, khám phá và sáng tạo nhiều hơn. Bất kỳ một khung hình nào cũng đều chứa đựng ý đồ của đạo diễn. Tất cả những sự sắp đặt, biên tập đềucó dụng ý. Một động thái chỉnh tiêu cự, phóng to hay thu nhỏ của máy quay, một khung hình đặc tả, một chi tiết lấy sáng… mỗi thứ đều mang tính gợi mở về cả hình thức lẫn nội dung nghệ thuật. Chúng là những yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng trong điện ảnh, và đối với phim ngắn, chúng lại càng phải được đầu tư một cách công phu, tỉ mỉ để đảm bảo được tính cô đọng, sức dồn nén cho phim.

Thứ hai, khi xét đến tính độc lập,ta dễ thấyđây cũng là tính chất của một phim ngắn, video ngắn hay bất kỳ một thể loại điện ảnh nào khác. Nghĩa là một clip, dù có được trích ra, cắt ra từ một thực thể mẹ lớn hơn, thì khi đem ra trình chiếu nó vẫn có đủ sức để đứng một mình, người xem vẫn có thể hiểu chúng đang nói gì và mục đích của chúng đang hướng tới điều gì. Tiêu biểu là các trailer hay các đoạn teaser, chúng là sự cắt ghép các cảnh quay từ một sản phẩm sân khấu điện ảnh hoàn chỉnh, được tung ra trước khi sản phẩm được công chiếu/công diễn, nhằm quảng bá, giới thiệu và tăng sức hấp dẫn, tăng sự tò mò của khán giả về bộ phim hay một sản phẩm sân khấu sắp được ra mắt. Tuy vậy, chúng vẫn có tính độc lập của riêng mình, người xem vẫn hiểu và háo hức muốn thưởng thức đầy đủ sản phẩm sân khấu điện ảnh đó. Chính vì khả năng độc lập tự thân này, mà chúng ta thường gặp phải trường hợp khi xem trailer thì cảm thấy phim rất hay, nhưng khi đi xem phim đầy đủ rồi mới hụt hẫng vì phim quá tồi. Hoặc ngược lại, trailer phim không có gì ấn tượng nhưng phim lại là một hiện tượng điện ảnh sau này. Những trường hợp trên cho thấy, bản thân các trailer nói riêng và video ngắn nói chung có một sức mạnh riêng biệt. Chúng tạo ra một hấp lực riêng và nếu không hiểu điều này, không khéo nhà sản xuất sẽ khiến các trailer trở nên sai lệch với những gì mà bộ phim nói tới.Còn đối với các thể loại khác trong điện ảnh chính thống, bao gồm cả phim ngắn thì không cần phải bàn cãi, chúng là những sản phẩm hoàn chỉnh và độc lập, là những công trình sáng tạo và là những đứa con tinh thần của đạo diễn. Chúng có đời sống riêng và một sức hút riêng.

Nếu không hiểu rõ về tính độc lập, tự thân này, rất nhiều người có thể sẽ lầm lẫn, và thực tếđã chứng minh điều đó. Các tình trạng hiểu sai tiêu biểu như: bất cứ đoạn băng nào độc lập ta cũng gọi là clip, hoặc bất cứ một đoạn băng nào miễn ngắn thì đều được gọi là clip, không cần biết chúng có độc lập hay không. Trong đời sống hằng ngày ta vẫn nghe những câu nói dạng như: “Bạn có thể chép mấy cái clip phim vào USB cho mình không?” Nghĩa là, nội hàm của khái niệm clip trong ngôn ngữ hiện nay đã trở nên bao quát và mở rộng hơn. Bất cứ cái gì, dù thể loại nào, miễn chúng là băng ghi hình, thì ta gọi là clip. Clip trở thành một danh từ chung chỉ tất cả các thể loại điện ảnh lẫn phi điện ảnh, và đó là một sự nhầm lẫn không đáng có. Trở lại với nghĩa gốc của chữ “clip”, ta sẽ hiểu được bản thân “clip” cũng có những giá trị riêng và không thể bị gán ghép bừa bãi và gọi tên một cách tùy tiện được.

Tóm lại, giữa video clip và phim ngắn có sự tương đồng về thời lượng, và sự khác biệt về nội dung chứa đựng và hình thức biểu hiện. Đây là hai tiêu chí cốt lõi và quan trọng nhất giúp khu biệt chúng thành hai thể loại riêng, phục vụ cho những mục đích và những đối tượng khác nhau. Nhìn từ mối tương quan giữa hai thể loại, ta thấy rõ một điều rằng, cả video ngắn và phim ngắn đều có những nhiệm vụ riêng của nó. Chúng đều cùng đáp ứng cho một số yêu cầu nhất định, chính vì vậy chúng có thể giao thoa, nhưng không bao giờ là một. Bởi thế, một video ngắn vẫn sẽ giữ nguyên giá trị về mặt đại chúng, trong khi phim ngắn sẽ vẫn tồn tại như là một chỉnh thể nghệ thuật, đem lại những cảm xúc khác, ý nghĩa khác cho công chúng thưởng ngoạn.

3. Phim cực ngắn như một dạng phim ngắn đặc biệt

Sau phân biệt phim ngắn với những dạng video ngắn khác, ta quay lại với vấn đề dung lượng của bản thân thể loại này. Mặc dù đã xác định được độ dài tương đối của một phim ngắn là từ 45 phút đổ xuống nhưng từ đó lại dẫn đến một vấn đề đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây là tại sao lại xuất hiện thêm khái niệm “phim cực ngắn” (“short short film” hay “short shorts”). Phải chăng đây lại là một thể loại mới, vừa manh nha kể từ đầu thế kỷ XXI, khi nó ngày càng được sản xuất nhiều vô kể? Nó có điểm gì khác biệt so với phim ngắn thông thường hay đơn thuần chỉ là một khái niệm thuộc một hệ thống phân chia thời lượng phức tạp khác nằm trong bản thân phim ngắn?

Thật ra, có rất nhiều quan điểm về việc phân chia thời lượng của phim ngắn. Trước đây, vào buổi đầu của điện ảnh, còn có cả một khái niệm dành riêng cho phim ngắn ở mức dung lượng cao nhất, gọi là “featurette” để chỉ những phim truyện khoàng 30-45 phút, với hậu tố “tte” mượn từ tiếng Pháp để phân biệt với chữ “feature” trong thuật ngữ phim truyện dài (“feature film”). Một điều khá thú vị nữa là, trong lịch sử giải Oscar, dung lượng phim ngắn lại chỉ được phân chia thành hai hạng mục duy nhất: một cuộn (one reel-khoảng 14 phút) và hai cuộn (two reels-khoảng 30 phút). Cách phân chia này tồn tại từ 1936 đến 1956 với hai danh hiệu: “phim ngắn một cuộn hay nhất” (Best Short Subject, One-reel) và “phim ngắn hai cuộn hay nhất” (Best Short Subject, Two-reel). Đây cũng chính là thời lượng phim ngắn được sản xuất nhiều nhất cho đến ngày nay, có thể được coi là “khung” dung lượng phổ biến. Bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy rằng, chính đơn vị độ dài tính bằng cuộn này đã góp phần khu biệt và phân mảng những mức quy chuẩn khác nhau về độ dài của phim ngắn, phân biệt giữa phim có độ dài trung bình (một cuộn hoặc hai cuộn hay 15-30 phút) với dạng phim ngắn có độ dài tối đa, ở tầm 40-45 phút và dạng phim ngắn có độ dài tiết chế đến mức tối thiểu, khoảng dưới 5 phút. Theo đó, nếu như những phim có độ dài tối đa góp phần đẩy xa khoảng cách giữa phim ngắn và phim truyện thì những phim có thời lượng tối thiểu lại có xu hướng hình thành một dạng đặc biệt của phim ngắn mà ngày nay thường được biết đến với tên gọi “phim cực ngắn”. Để hiểu rõ hơn về dạng phim ngắn đặc biệt này, ta cần trở lại với xu hướng tiết chế độ dài của phim ngắn nói chung.

Như ta đã biết, khái niệm phim ngắn đã nghiễm nhiên được chấp nhận ngay từ những ngày đầu như một dạng tiền thân của điện ảnh với hai xu thế làm phim chính. Một là quan tâm đến việc kéo dài độ dài, hai là tập trung trau chuốt cho nội dung tác phẩm. Cụ thể là, khi các đạo diễn đã có đủ điều kiện thể tập trung trau chuốt cho đứa con tinh thần của mình, phim ảnh thường được đẩy lên đến độ dài tốt đa, dài nhất có thể, chính xu hướng này đã đưa phim ngắn dần tiến ra ngoài khuôn khổ của mình mà hình thành phim truyện. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có một bộ phận các nhà làm phim không quá chú trọng đến hiệu quả thương mại cũng như các đối tượng ưa chuộng những bộ phim có nội dung tự sự lê thê mà thay vào đó là những thể nghiệm nghệ thuật và không quan tâm đến vấn đề cải tiến dung lượng, các nhà làm phim đã tự giới hạn mình trong độ dài khoảng 30 phút. Chính xu hướng này đã phần nào làm chậm lại những cuộc đua dung lượng trong điện ảnh thời kỳ đầu và góp phần hình thành những quy chuẩn nhất định về mặt dung lượng cho thể loại phim ngắn. Như Luis Buňuel với Un Chien Adalusia, dài 17 phút, chẳng hạn,do hướng đến những mục tiêu của chủ nghĩa siêu thực, nên mối bận tâm của ông không phải là làm sao để phim mình dài hơn như D. W. Griffith (1875-1948), một trong những đạo diễn tiên phongtrong phong trào nối dài dung lượng phim, mà ngược lại, khiến cho nó không quá lan man mà mất tập trung là sự độc đáo và sắc sảo của hình ảnh. Chính việc trao giải cho hai hạng mục phim ngắn có độ dài khác nhau của Oscar đã chứng minh một hiện thực rằng đã từng tồn tại một bộ phận nhà làm phim không có định tận dụng tối đa độ dài cho phép mà thay vào đó, tập trung hơn vào những yếu tố khác như cốt truyện, thủ pháp nghệ thuật hay những hình ảnh độc đáo, thứ đóng góp mạnh mẽ vào sự khu biệt giữa các thể loại.

Trở lại với phim cực ngắn, ta có thể thấy rằng, sự tiết chế về mặt dung lượng càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Nó được biết đến như một yếu tố làm nên đặc trưng nghệ thuật của dạng phim này. Không có quy chuẩn rõ ràng nào dành cho phim cực ngắn, một phần bởi bản thân tính ngắn trong phim ảnh đã mang tính tương đối, nghĩa là không chỉ phụ thuộc vào thời lượng, một phần là do yếu tố “cực ngắn” cũng khá dễ hình dung, chỉ cần phim nào không quá dài, được trình chiếu như một khoảnh khắc diễn ra chớp nhoáng thì đã có thể được hiểu là phim cực ngắn. Theo một cuộc thi phim ngắn mang tên FILMSshort được mở vào những dịp cuối năm tại Mĩ với sự kết hợp với Daazo, một tổ chức chuyên phổ biến phim ngắn tại Châu Âu, thì phim cực ngắn (“short shorts” hay “short short films”) được định nghĩa là những phim có độ dài dưới 5 phút. Đồng tình với ý kiến này, một nghệ sĩ Úc, David Griffith, người chuyên viết hàng loạt các bài giảng về kỹ thuật làm phim ngắn hay chụp ảnh nghệ thuật đã cho rằng 5 phút là một trong 3 mức dung lượng của phim ngắn gồm: phim cực ngắn (short shorts), phim ngắn tầm trung (mid-length short film) và phim ngắn dài (long short film). Thực ra, giới hạn này chỉ là tương đối. Với độ dài chỉ bằng một phần hai cuộn phim, khó có thể hình dung được người đạo diễn sẽ sắp đặt và cắt dựng như thế nào để cho ra đời một sản phẩm với đầy đủ tiêu chí của một phim ngắn chứ không đơn thuần chỉ là những hình ảnh vô nghĩa. Ở các giải thưởng lớn hơn, như Oscar hay Cannes, thường không phân biệt phim ngắn với phim cực ngắn. Thậm chí, có những phim cực ngắn đã từng được đề cử ở hạng mục “Phim ngắn/phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất” như Oktapodi (2007) của đạo diễn Pháp, Julien Bocabeille hay Gagarin (1995) của đạo diễn Nga, Alexei Khariditi và một số phim ngắn khác, hoặc thậm chí thắng của giải thưởng cao quý này như The Crunch Bird (2 phút, 1971, Ted Petok, Joe Petrovich, and Len Maxwell), Charade (5 phút, 1984, John Minnis), Tin Toy (5 phút, 1988, John Lasseter), Geri’s Game (5 phút, 1997, Jan Pinkava), For the Birds (3 phút 28 giây, 2000, Ralph Eggleston) và The Chubbchubbs! (5 phút, 2002, Eric Armstrong) ở giải Oscar hay các phim 50 ans (3 phút, 1989, Gilles Carle), Zikkaron (5 phút, 1971, Laurent Coderre), Blinkity Blank (5 phút, 1955, Norman McLaren)… đều đã từng đoạt giải tại Cannes và nhiều liên hoan phim khác.
Từ đó có thể khẳng định rằng, không hề có bất kỳ một giới hạn chất lượng nào dựa trên dung lượng của phim. Nói cách khác, không thể dùng dung lượng mà so sánh chất lượng giữa phim cực ngắn với phim ngắn, làm như vậy chẳng khác nào so sánh giữa phim ngắn và phim truyện dài, một kiểu so sánh vô cùng khập khiễng. Vậy, đặc tính của phim cực ngắn là gì mà có thể giúp chúng vừa giữa được dung lượng ấn tượng, vừa có thể tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt?

Trước hết, dễ thấy rằng phim cực ngắn, với sự tối giản hoá về dung lượng của mình, có thể được xem như một dạng cô đặc của phim ngắn. Nói cách khác, nếu muốn tìm hiểu những đặc trưng cơ bản nhất của phim ngắn, người ta sẽ phải xem một bộ phim cực ngắn. Ở dạng phim này, những tính chất của phim ngắn được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Sự tối giản về cả nhân vật, bối cảnh, hành động, sự kiện và tình huống có thể được xem như một ví dụ. Ta có thể thấy rõ hơn điều này khi phân tích phim ngắn dài 1 phút mang tên The Kiss (2005) của Toma Waszarow, một đạo diễn người Bulgary, đã từng thắng hàng loạt giải thưởng ở khắp các liên hoan phim lúc bấy giờ trên toàn thế giới. Suốt các cảnh phim, đạo diễn chỉ mô tả nụ hôn nồng cháy của một gương mặt phụ nữ dành cho một gương mặt đàn ông bất động. Để rồi, ở những phân cảnh cuối cùng của một phút ngắn ngủi ấy, một chiếc máy chém buông rơi lưỡi dao oan nghiệt của mình và chiếc đầu phụ nữ rơi ra, nằm cạnh chiếc đầu đàn ông. Trước hết, ta thấy ở đây chỉ có duy nhất một chủ thể hành động, một bối cảnh, một tình huống, ngoài ra không còn gì khác. Góc quay cũng được tiết chế đến mức tối đa, chỉ tập trung vào hai gương mặt, cái máy chém và một vài ngoại cảnh. Thế nhưng bấy nhiêu cũng đủ truyền tải, khắc hoạ rất sâu rất ấn tượng dành cho một nội dung nghệ thuật đa chiều mà đơn giản nhất chính là sự vượt thoát khỏi mọi rào cản của khát vọng hoá giải nỗi cô đơn của con người, bất chấp cái chết, bất chấp tuyệt vọng. Một phút ngắn ngủi trên không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những hình ảnh đầy quyết liệt, thậm chí bạo lực mà hơn thế là sự đột ngột, dồn dập giữa các phân cảnh, khiến sự bất ngờ được đẩy lên tột độ. Qua đó, ta thấy được những đặc trưng rất nổi bật của phim cực ngắn đặc biệt này. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rằng, dù rất nhiều phim cực ngắn có sự thay đổi liên tục về khung ảnh như trong Oktapodi (2007) của Julien Bocabeille, toàn phim chỉ miêu tả cuộc trượt đuổi trên khắp các khu phố ven bờ biển, vì thế ngoại cảnh thay đổi liên tục từ cửa hàng bán bạch tuộc ra đến bờ biển, nhưng xét cho cùng, tất cả vẫn xoay quanh ba nhân vật chính và cùng một cuộc tẩu thoát. Nghĩa là với dung lượng được giới hạn đến tối đa, tính sáng tạo của các nhà làm phim vẫn không hề thuyên giảm. Dung lượng ngắn không phải là một dạng khuôn khổ kềm chế người nghệ sĩ, thay vào đó, nó dần trở thành một trong những phương tiện để các nhà làm phim thử thách chính mình.

Từ đó ta có thể khẳng định rằng, phim cực ngắn đã thành một xu hướng riêng trong bản thân thể loại phim ngắn.Thật ra, xu hướng rút gọn độ dài này không phải là của riêng điện ảnh. Trong các ngành nghệ thuật khác, tiểu biểu như ở văn chương, từ lâu đã có sự hình thành một thể loại đặc biệt là “truyện cực ngắn” hay “truyện ngắn trong lòng bàn tay”. Điều này chứng tỏ rằng, xu hướng cắt giảm độ dài có thể được xem như một trong những trào lưu đang dần hình thành và phát triển của nghệ thuật đương đại, như một biểu hiện của phong cách sống của con người thế kỷ XXI, với văn hoá thông tin nhanh ngày càng phát triển. Khi đó, những “mẩu” thông điệp dạng cực ngắn để dễ thu hút sự chú ý của người xem ngày càng được ưa chuộng trong cách phương pháp truyền thông, thương mại, quảng cáo… Và phim cực ngắn chính là tín hiệu cho sự lấn sân của văn hoá thông tin này vào lĩnh vực nghệ thuật. Trên thế giới hiện nay, trong sự nở rộ của những liên hoan phim ngắn, một số lễ hội, giải thưởng chỉ dành riêng cho phim cực ngắn cũng dần hình thành mà tiêu biểu là hai liên hoan phim One minute Film Festival ở Thuỵ Sĩ và New York One minute Film Festival, được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ. Trong tương lai, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ làm phim, hy vọng phim cực ngắn sẽ tiếp tục phát triển thành một trong những điểm nhấn của sự phong phú về mặt thể loại của điện ảnh thế giới.

(Trích từ “Tìm hiểu thế loại phim ngắn” – 2013)

Cú Mù – Thiên Huân