Dutch angle (góc nghiêng) trong phim Ròm


Dutch angle (hay Dutch tilt và một số tên gọi khác) là kỹ thuật quay góc nghiêng. Kỹ thuật này vốn dĩ phải gọi là “Deutsch angle” (góc quay Đức) vì nó được các nhà làm phim người Đức sử dụng nhiều trong giai đoạn Chủ nghĩa Biểu hiện Đức. Sau khi điện ảnh Đức được chú ý và hoà vào dòng chảy điện ảnh thế giới, từ “Deutsch” bị biến âm thành “Dutch” và nó cứ giữ nguyên cái tên này cho đến giờ.

Dutch angle thường tạo cảm giác mất cân bằng, chênh vênh, chao đảo, cẳng thẳng, sợ hãi, điên loạn,… Trên mạng có nhiều bài viết phân tích một số ví dụ sử dụng Dutch angle rồi nên tạm thời mình sẽ không nêu ra ở đây nữa nhé. Còn dưới đây là ý kiến chung của mình về Dutch angle trong phim Ròm.

Vốn là đã có một bài viết trên mạng về kỹ thuật Dutch angle trong Ròm rồi, nhưng bài đó khen phim là chính nên mình thấy không thuyết phục. Còn lựa chọn Ròm vì nó bộc lộ mặt trái khi dùng Dutch angle.

Đa số cảnh quay trong Ròm là góc nghiêng. Thực ra nói là đa số cũng không chính xác lắm vì nhiều bài viết cho biết Ròm sử dụng 99% Dutch angle hoặc là Ròm là tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên áp dụng Dutch angle cho CẢ bộ phim. Mình hiểu là đạo diễn muốn mang đến một trải nghiệm mới về thị giác và nhấn mạnh cảm giác bấp bênh, không ổn định của các nhân vật, nhưng sử dụng đến 99% thì đúng là lạm dụng rồi. Cộng thêm nhiều cảnh đánh lộn, rượt đuổi, sử dụng Dutch angle chưa khéo, nên Ròm sẽ tạo cảm giác hoa mắt, chóng mặt, khó chịu, vẹo cổ, chứ không hề đạt được hiệu ứng dồn dập, đè nén. Với cả lạm dụng quá thì mình cũng cho là phim không sáng tạo cho lắm.

Một ví dụ cụ thể hơn là cảnh quay cuối phim Ròm, khi mà hai nhân vật là Ròm và Phúc ngồi ở vỉa hè thì cảnh quay này nghiêng sang bên trái. Nhấn mạnh là nghiêng hẳn sang một bên như cả khung hình bị đổ vậy. Sau đó cảnh quay này nghiêng hẳn sang bên phải vài giây rồi trở về ví trị cân bằng (hoặc là nghiêng sang trái một chút xíu). Thực sự mà nói là cảnh quay này rất vụng và lộ liễu. Nó giống như là bạn sợ người ta không biết, không hiểu nên phải show hẳn ra cho người ta thấy là tôi dùng kỹ thuật quay phim này là có ý đồ đó nha. Hoặc là bạn bế tắc, không biết xử lý kết thúc nội dung như thế nào nên đành lấy kỹ thuật ra để khỏa lập vậy.

Xem một số clip nói về kỹ thuật làm phim thì mình thấy là họ sẽ đọc kịch bản rồi ghi chú cảnh quay này nên vận dụng kỹ thuật quay phim nào. Mình không rõ thực tế ra sao nhưng mình nghĩ cách làm này cũng đúng đấy nhỉ. Vì các nhà làm phim HIỂU kỹ thuật quay phim và họ sẽ biết cách dùng nó để khán giả có thể CẢM NHẬN được nội dung phim. Dùng đúng thì khán giả nắm bắt được cảm xúc, mà dùng sai thì đúng là một trải nghiệm tồi tệ, về nhà lập tức rate 1*, không cần biết nội dung nói về cái gì nữa :))

 

Hạnh Tâm

28.01.2021