Những bài học cuộc sống của Akira Kurosawa


Lược dịch một đoạn (dễ thương) về tuổi thơ ấu của Akira Kurosawa trong cuốn tự truyện Sonething Like an Autobiography.

“Thái độ của bố tôi đối với phim ảnh ảnh hưởng lớn đến thiên hướng và khích lệ tôi trở thành người như hôm nay. Bố tôi được đào tạo ở trong quân đội và là một người đàn ông nghiêm khắc. Nhưng ở thời điểm mà ý tưởng đi xem phim rất khó được các nhà giáo dục đón nhận nồng nhiệt thì bố tôi là người thường xuyên đưa cả gia đình đến rạp chiếu. Trong thời kỳ phản động, ông vẫn giữ niềm tin rằng phim ảnh có giá trị về mặt giáo dục.

Một khía cạnh khác trong suy nghĩ của bố tôi có ảnh hưởng quan trọng đến tôi, đó là sự quan tâm của ông đối với thể thao. Sau khi rời học viện quân đội, bố tôi làm việc ở trường thể dục thể thao. Ở đó, ông cung cấp cơ sở vật chất cho các môn võ thuật truyền thống Nhật Bản như judo, đấu kiếm kendo, và các bộ môn điền kinh. Bố tôi là người xây dựng bể bơi đầu tiên ở Nhật và ông giúp cho môn bóng chày thịnh hành. Ông rất kiên trì thúc đẩy các môn thể thao và những ý tưởng của ông quả thực gắn bó với tôi”.

Một bức vẽ trong storyboard của Akira Kurosawa mô tả cuộc hành quân trong phim “Ran”

“Trước đây, giáo dục nghệ thuật không được chú trọng. Trong giờ mỹ thuật, tranh mẫu toàn là mấy bức thiếu thẩm mỹ và việc học chỉ đơn thuần là chép tranh. Học sinh nào càng vẽ giống tranh mẫu thì điểm càng cao. Nhưng thầy Tachikawa không dạy kiểu ngu ngốc đó. Thầy chỉ bảo ‘Các em thích vẽ gì thì vẽ’.

Học sinh nghe vậy liền lấy giấy và bút màu ra rồi bắt đầu vẽ. Tôi không nhớ mình đã cố vẽ cái gì, tôi chỉ biết là mình dốc hết sức ra để vẽ. Tôi vẽ mạnh đến mức gãy cả mấy cái bút chì, sau đó tôi dùng tay liếm nước bọt để làm màu nhoe nhoét và nó khiến cho bàn tay của tôi chi chít màu vẽ.

Sau khi chúng tôi vẽ xong, thầy Tachikawa lấy tranh của từng học sinh và treo lên bảng. Thầy bảo cả lớp tự do nói lên ý kiến. Đến lượt tranh của tôi, các bạn nhìn thấy thì cười rũ rượi. Nhưng thầy Tachikawa lại nhìn cả lớp đang cười bằng ánh mắt nghiêm túc và thầy khen tranh của tôi đến tận mây xanh. […] Sau đó thầy lấy tranh của tôi và vẽ ba vòng tròn đồng tâm bằng mực đỏ. Đấy chính là điểm cao nhất.

Kể từ khoảnh khắc đó, mặc dù tôi vẫn ghét trường học, không hiểu sao tôi thấy mình mau mau chóng chóng đến trường chỉ để hóng những hôm học vẽ. Tôi bắt đầu có sở thích vẽ tranh sau khi được thầy Tachikawa cho điểm cao. Tôi vẽ mọi thứ. Và tôi vẽ ngày càng giỏi. Lúc đó, điểm các môn học khác của tôi cũng đột nhiên tăng dần đều. Sau khi thầy Tachikawa nghỉ dạy thì tôi được bầu là lớp trưởng của lớp.

Đầu thời kỳ Taisho (1912 – 1926), khi tôi đi học, ‘giáo viên’ đồng nghĩa với ‘người đáng sợ’. Thực tế là tôi đã được hưởng một nền giáo dục tự do và tiến bộ, cùng những thúc đẩy mang tính sáng tạo. Tôi quả thực biết ơn những năm tháng đó”.

Tranh storyboard trong phim “Dream”

~ oOo ~

Qua đoạn trích này, có hai thứ mà mình đặc biệt để ý, một là hội họa, hai là giáo dục.

Đối với Akira Kurosawa, hội họa đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ như trước khi làm phim Ran, ông dành hẳn 10 năm để vẽ storyboard và vẽ rất chi tiết, tô màu kỹ lưỡng. Akira Kurosawa quả thực có hẳn một bộ phim chạy ở trong đầu, sau đó ông đưa nó vào trong từng bức vẽ và cuối cùng hoàn thiện bằng một bộ phim sống động, chân thực. Vì có sở thích và có lẽ thêm một chút năng khiếu với hội họa, Akira Kurosawa sở hữu óc tư duy hình ảnh thú vị, sáng tạo và ông ứng dụng thành công vào quá trình làm phim, chẳng hạn như những cú máy dài, sử dụng nhiều máy quay cùng lúc, ống kính tele, điều chỉnh ánh sáng v.v… Đây đều là những bài học làm phim quý giá và có ảnh hưởng sâu sắc của Akira Kurosawa.

Trong cuốn tự truyện, Akira Kurosawa thú nhận ông là một cậu bé chậm chạp và trí thông minh chỉ “phát triển” khi ông bắt đầu học lớp ba. Đặc biệt, bố và thầy giáo mỹ thuật Tachikawa là những người đã nuôi dưỡng sở thích của ông đối với nghệ thuật, thể thao và trường học. Vậy mới thấy, giáo dục của người lớn ảnh hưởng thế nào đến con trẻ. Đặc biệt là trong thời đại “chẳng có gì” của Akira Kurosawa, cách suy nghĩ, cách sống và thái độ của người lớn quyết định nhiều đến sở thích, tư duy và theo đuổi đam mê của ông.

Câu chuyện của Akira Kurosawa chắc hẳn không còn gì mới mẻ song nó vẫn luôn đúng. Chỉ cần so sánh với những năm 90, cách tiếp cận tri thức bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều và thế hệ trẻ dễ dàng khám phá, hình thành những thú vui riêng. Dẫu vậy, mình vẫn tin là sở thích, sự hướng dẫn và định hướng của người lớn, nhất là những người xuất hiện trong những năm tháng đầu đời như bố mẹ và giáo viên tiểu học, có ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ.

Nguồn: Life Lessons from Akira Kurosawa

Hạnh Tâm

24.10.2020