Days of Being Wild / A Phi chính truyện (1990)


Image

Tên phim: Days of being wild / A Phi chính truyện

Hãng phim: In-Gear Film

Đạo diễn: Vương Gia Vệ

Kịch bản: Vương Gia Vệ

Diễn viên: Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh

Thời lượng: 94 phút

Giải thưởng: Golden Bauhinia Awards 1997 – Best Hong Kong Film of Past 10 Years

IMDB: 7.6/10 | Metascore: 96/100 | Watching Cafe: ★★★★☆

~oOo~

Khái quát được cái lớn lao là việc không dễ dàng, nhưng kịp thời nắm bắt những khoảnh khắc thoáng qua còn khó khăn gấp bội. Tôi đã luôn nghĩ tới điều này mỗi khi xem lại A Phi chính truyện của Vương Gia Vệ.

Bộ phim lay động tôi của tuổi thiếu niên cho đến tôi bây giờ, đã bắt đầu bằng một màn tán tỉnh điệu nghệ giữa anh chàng Húc Tử với cô gái Tôn Lệ Trân nhút nhát lãnh đạm, khi Húc yêu cầu Lệ Trân im lặng nhìn vào đồng hồ của mình trọn vẹn một phút, và rằng anh sẽ mãi mãi không quên – 3 giờ kém một phút ngày 16 tháng Tư năm 1960 hôm ấy đã ở bên cạnh cô.

“Chúng ta đã là bạn trong một phút. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng đó cũng là chuyện đã qua.”

“Và tôi chẳng bao giờ biết, liệu anh ấy có nhớ một phút đó hay không”.

Chi tiết mở đầu đó đã sớm tạo ra ấn tượng trong tôi về A Phi chính truyện như một lát cắt của đời người, một trang trong sổ nhật ký, một lời mào đầu cho câu chuyện đời rất dài sắp kể. Quả nhiên trên thực tế, tác phẩm nằm trong bộ ba phim nổi tiếng của Vương Gia Vệ gồm A Phi chính truyện, Tâm trạng khi yêu và 2046, tập trung miêu tả những cung bậc tình yêu ở đô tuổi khác nhau với nhân vật Tôn Lệ Trân xuất hiện đủ cả ba phần, từ lúc còn là cô gái ở ngưỡng hai mươi cho đến người phụ nữ trưởng thành đã lập gia đình. A Phi chính truyện – bộ phim độc lập với câu chuyện tưởng như hoàn chỉnh – thực chất lại là một trong rất nhiều mảnh ghép cùng làm nên trường thiên tiểu thuyết đầy xúc cảm của riêng Vương Gia Vệ.

Đóng vai trò mở đầu cho bộ ba phim kể trên, A Phi chính truyện hướng tới đề tài tình yêu tuổi trẻ với mối quan hệ ái tình nhập nhằng xoay quanh một nhóm thanh niên Trung Quốc những năm 60. Chủ đề của tác phẩm cũng sớm tường minh trên cả hai tựa phim Tiếng Anh và Trung Quốc: Days of being wild ý chỉ quãng đời hai mươi trẻ trung, bốc đồng và phóng túng, còn A Phi chính truyện cũng thể hiện nội dung tương tự khi chữ “phi” vừa là bay, vừa ám chỉ hình tượng nam chính Húc Tử tự xem mình là loài chim không chân suốt đời phiêu bạt:

“Tôi đã nghe về một loài chim không chân. Loài chim không chân cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó…

Đó là khi chết đi

Một từ A Phi để nói về Húc Tử, nhưng cũng hàm ý miêu tả con người hai mươi của mỗi chúng ta. Ngay từ tựa đề Vương Gia Vệ đã có mong muốn khuấy động sự đồng cảm sâu kín xuất phát từ những năm tháng thanh xuân ai cũng từng trải qua, khoảng thời gian mà dù ít hay nhiều, cũng bị chi phối bởi yếu tố cảm tính hồn nhiên và sôi nổi nhất. A Phi chính truyện vì thế chỉ tập trung diễn tả cái điển hình: Cốt truyện tôi yêu anh ấy, anh ấy yêu cô ấy xoay vòng, với nhân vật playboy tuấn mã đào hoa Húc Tử cùng hai người tình mang tính cách hoàn toàn tương phản – một bên là Tôn Lệ Trân nhu mì ôn dịu đúng chuẩn phụ nữ truyền thống, một bên là Mimi ngang tàng quyết liệt đại diện cho lớp thanh niên nổi loạn. Mỗi người một vẻ dùng những cách thức khác biệt để đấu tranh cho tình yêu của mình, nhưng đều không giữ được chân Húc – người luôn mang ám ảnh bị mẹ ruột bỏ rơi. Tôi vốn hay tránh né việc thuật lại truyện phim Vương Gia Vệ và đặc biệt là A Phi chính truyện, bởi nếu chỉ nhìn vào tình tiết hẳn bộ phim sẽ hiện ra như một cuốn tiểu thuyết diễm tình. Cái đáng giá trong câu chuyện yêu yêu đương đương chồng lớp lên nhau ở bộ phim chính là sự tỉ mẩn quan sát và diễn đạt những rung cảm rất đời thường, từ chính tâm thế không muốn làm to chuyện mà gợi lên sức lay động lớn.

Không khai thác bề rộng tinh tiết mà đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật, A Phi chính truyện giống như một tâp hợp những khoảnh khắc hỉ nộ ái ố, ngẫu hứng đan cài vào nhau không theo một logic nhất định nào. Những tác phẩm của Vương Gia Vệ còn được xếp hẳn thành một dòng phim siêu thực là bởi kết cấu tình tiết của cả bộ phim khá lỏng lẻo. A Phi chính truyện cũng có những sự kiện mang tính kịch như cuộc cãi vã tay ba giữa Húc Tử, Mimi và Lệ Trân, như trận đọ súng bất ngờ dẫn đến cái chết của Húc Tử, nhưng rõ ràng không đi theo lối phát triển mở đầu – thắt nút – cao trào – mở nút và kết thúc thông thường. Bộ phim đơn giản là được cấu trúc theo lối lần lượt trình bày lên màn ảnh những biến thái tâm lý của nhân vật thông qua những góc quay cận, những trường đoạn kéo dài đầy lời độc thoại hoặc chỉ toàn những đối đáp vô thưởng vô phạt. Cảnh quay tôi ưa thích nhất là cuộc đi đạo trong đêm giữa Tôn Lệ Trân và Viên cảnh sát tuần tra không rõ tên tuổi. Từng thước phim thấm đẫm một sắc xanh trong mờ của sương sớm, vừa u nhã vừa ám ảnh, thê lương mà dịu dàng, như chính tâm trạng của một Tôn Lệ Trân vốn nhu mì mềm mỏng trước tình yêu tan vỡ vậy. Tương tự như thế, nếu thử cắt ngẫu nhiên bất kì cảnh phim nào trong A Phi chính truyện rồi chăm chú theo dõi, dùng giác quan tự nhiên mà cảm thụ thay vì mong chờ một câu chuyện hấp dẫn, ẩn tàng những triết lý lớn lao, ai cũng có thể tìm thấy chính mình trong những khoảnh khắc tưởng chừng vụn vặt, vô nghĩa đó.

Lối pha màu sử dụng triệt để các gam lạnh, cùng cách xử lý ánh sáng đục mờ đã phủ lên A Phi chính truyện tấm áo cũ kĩ của hoài niệm. Tuy nhiên phong cách này không được duy trì trong hai tác phẩm tiếp theo – Tâm trạng khi yêu và 2046, thay vào đó là những tông màu nóng cùng độ tương phản gay gắt trên từng khung hình, nhằm diễn tả tính chất nồng đượm và chín muồi hơn trong tình cảm khi các nhân vật đã bước sang tuổi ba mươi. Thuộc bộ ba phim miêu tả biến thái của tình yêu trong những độ tuổi khác nhau, toàn bộ A Phi chính truyện không khác gì những khoảnh khắc lặng lẽ bắt đầu rồ lại trôi đi, cứ thế tuần tự xuất hiện trong đời người. Việc lựa chọn Tôn Lệ Trân làm nhân vật cố định trong cả ba phần càng làm tăng tính sinh động của cảm thức thời gian trôi chảy này.

Đến đây tôi lại nhớ tới chi tiết một phút đã nhắc trước đó. Ý nghĩa của “một phút” rốt cuộc có rất nhiều cách hiểu. Một phút có thể đáng giá cả đời, nhưng một phút trước hết vẫn là một phút với vỏn vẹn sáu mươi giây.

Có những người như Mimi luôn canh cánh trong lòng “một phút” đã chết là Húc Tử, không ngừng tìm kiếm tung tích của anh, nhưng cũng có Tôn Lệ Trân bình thản tiếp tục công việc soát vé thường nhật, gương mặt ẩn hiện trong đoàn người nối đuôi trên phố. Cảnh cuối cùng của bộ phim một lần nữa phá vỡ tính logic trong kết cấu sự kiện của A Phi chính truyện, khi máy quay chỉ đứng yên ghi lại hình ảnh nam diễn viên Lương Triều Vỹ đang sửa soạn y phục. Sự xuất hiện của nhân vật vốn không hề liên quan tới câu chuyện trước đó mà chỉ lộ diện trong Tâm trạng khi yêu và 2046 sau này đã sớm mở ra chương mới cho cuộc đời Tôn Lệ Trân, cũng như khép lại A Phi chính truyện như một phút say đắm và hoang dại đã ra đi cùng tuổi thanh xuân.

Tôi yêu mến từng thước phim với những màu sắc, chuyển động, âm thanh của A Phi chính truyện, trước hết là bởi mối đồng cảm từ một con người – măy mắn làm sao – còn chưa bước qua ngưỡng hai mươi. Nhưng với riêng đoạn kết chậm trãi, thản nhiên và độc đáo này, tôi tin rằng bộ phim đủ sức lay động cả những ai đã giã từ tuổi trẻ nhờ dư vị bùi ngùi của những tháng ngày đã qua, những tình cảm đã mất, cùng những vẻ đẹp chẳng bao giờ trở lại.

 14 02 2014

Trà My