Blue is the warmest color / La vie d’Adèle – Chapitres 1 et 2 (2013)


Blue-is-The-Warmest-Color-Poster-HD-Wallpaper

Tên phim: Blue is the warmest color (La vie d’Adèle – Chapitres 1 et 2)

Đạo diễn: Abdellatif Kechiche

Diễn viên: Léa Seydoux, Adèle Exarchopoulos

Thời lượng: 180 phút

IMDb: 8.1/10 | Metascore: 88/100 | Watching Cafe: ★★★★☆

 ~oOo~

Tôi bắt đầu viết ngay khi vừa xem xong bộ phim này. Blue is the warmest color vô tình xuất hiện trong khá nhiều list những phim hay nhất của năm 2013, và sự tò mò đã dẫn dắt tôi đến với nó. Mỗi năm, người Pháp mang đến Liên hoan phim Cannes những bộ phim đẹp như tranh, những góc quay cận cảnh chân thực đến động lòng và những câu chuyện có sức lan tỏa theo bước chân khán giả như một loại nước hoa lâu phai hương. Phim là câu chuyện tình của cô nữ sinh Adele với Emma, một họa sĩ với mái tóc xanh như nước. Tuy là một bộ phim về quan hệ đồng tính, nhưng từng thước cảm xúc của Adele trong như một tấm gương, làm người xem dễ dàng soi thấy bản thân.

IMG_1628

Adele

Dùng nhiều góc quay cận cảnh, bộ phim khắc họa chân dung Adele thật tự nhiên và lôi cuốn. Điều bất ngờ đầu tiên của tôi, và có lẽ cũng sẽ của tất cả mọi ai xem bộ phim này, chính là thời lượng 180 phút. Ngang bằng với những bộ phim bom tấn Mỹ được đầu tư công phu như Australia hay Titanic, tôi đã kỳ vọng được thưởng thức một tác phẩm được khắc họa kỹ lưỡng, và tôi đã không phải thất vọng. Adèle Exarchopoulos hầu như không phải diễn, người xem bắt gặp một cô gái trẻ với mái tóc rối bù, gương mặt bầu bĩnh “không giống người trưởng thành”, một cái mũi luôn sụt sịt và đôi mắt nâu buồn bã. Đạo diễn rất chú trọng việc khắc họa các hoạt động của Adele, tất cả các cảnh phim, như cảnh cô bé ăn món pasta do bố nấu, ăn bánh gyro với Thomas hay những cảnh ngủ trải dài khắp phim làm người xem có cảm giác Adele là em, là hàng xóm hay người bạn cùng phòng. Nhờ chính những cảnh chân dung này mà khoảng cách nhân vật được xóa nhòa, cảm xúc của Adele cũng chính là cảm xúc của tất cả những người dõi theo từng ngày của cô.

IMG_1629

Một điều tôi rất thích trong phim này chính là sự chuyển cảnh nhẹ nhàng, từ lúc Adele còn là học sinh, khi cô trở thành giáo viên mầm non đến khi khi cô được nâng lên dạy tiểu học. Khác với những khung hình nhòa đi và hiện ra chậm rãi cùng dòng chú thích “Một con số năm sau đó” trong các phim Mỹ, “Blue” đưa vào những cảnh quay nhẹ nhàng nhất, người xem tự hiểu rằng mình đã được đưa đến một trang khác trong cuộc đời của Adele. Tôi thích cách đạo diễn tôn trọng người xem trong bộ phim này, người xem không bị gò ép phải bước theo luồng cảm xúc có sẵn nếu muốn đi tiếp cuộc hành trình trên màn ảnh, ông cho họ một khoảng trong bộ phim để tự khám phá và cảm nhận.

Màu sắc

Trước khi xem, tôi đã dự đoán xanh dương sẽ là màu sắc chủ đạo của phim. Trong Amelie, tôi đã ngưỡng lãm một bức tranh với những màu xanh lá, vàng và đỏ, trong Love me if you dare là một sự hòa quyện của những sắc cam và hồng, tôi đã nghĩ mỗi thước phim của Blue, màu xanh dương sẽ đều xuất hiện. Nhưng, lại một điều bất ngờ nữa, xanh dương chỉ xuất hiện trong các thước phim quan trọng nhất.

Thước phim ngập màu xanh làm tôi ấn tượng đầu tiên là khi Emma và Adele gặp nhau lần đầu tiên. Màu xanh trên tóc Emma làm người xem không thể ngừng tò mò, màu xanh này cũng giúp tôi hiểu được, tại sao Adele lại có ấn tượng mạnh với Emma đến vậy. Khi Emma hỏi Adele “Em nghĩ tôi làm nghề gì?”, câu trả lời của Adele, và cũng là suy nghĩ đầu tiên của tôi, là “Nhà tạo mẫu tóc”. Nếu màu xanh của tóc Emma làm nhiệm vụ gây ấn tượng, thì màu xanh trong mắt Emma lại đóng vai trò tạo liên kết cảm xúc cho người xem. Hai màu xanh xuất hiện nhẹ nhàng và có một chút hài hước này đã tạo không khí màu sắc chủ đạo cho phim mà không cần nhiều đến dàn cảnh.

IMG_1630

Thước phim thứ hai là khi Adele trôi mình trên biển. Màu xanh ánh trên tóc cô lại làm tôi nhớ đến màu tóc của Emma, cũng làm tôi nhớ đến một cảnh trong bộ phim Tomboy, khi hai chị em Laure ngồi ở ban công, đung đưa chân trên nền bokeh xanh ngát. Cảnh quay này có lẽ cũng là cảnh gây ấn tượng mạnh nhất phim, khi một lần nữa, người xem được đưa vào một khoảng lặng để cảm nhận và tìm hiểu.

IMG_1631

Thước phim cuối cùng làm tôi ấn tượng chỉ đơn giản là chiếc váy Adele mặc ở cuối phim. Vẫn là một chiếc váy đơn giản, không cần trau chuốt, nhưng màu xanh ở đây khẳng định cho người xem sự mãnh liệt của tình yêu Adele dành cho Emma. Không cần nhiều về số lượng, nhưng với mỗi lần xuất hiện, màu xanh đã hoàn tất nhiệm vụ thu hút sự chú ý và tạo mối liên kết cảm xúc cho người xem. Tương tự như sau khi xem Where the wild things are hay Tomboy, và có lẽ một chút của Atonement, tôi đã thực sự hài lòng khi bấm nút dừng ở mỗi cảnh phim trong Blue, tôi đều nhận được một tấm ảnh đẹp một cách tự nhiên nhất.

IMG_1632

Sex

Dù đã đọc nhiều review, và cả critic về những cảnh nhạy cảm, Blue vẫn làm tôi bất ngờ vì độ chân thực của các cảnh này. Tuyệt nhiên vì lý do tò mò mà tôi có đi tìm hiểu khá nhiều, nhiều hơn các mảng khác, về cách người ta quay những cảnh phim này. Đối với tôi, những cảnh quay này luôn là một thử thách cho các bộ phim, khi phải đảm nhiệm nhiệm vụ truyền tải cảm xúc ở cung bậc cao nhất mà không được bước lấn qua lằn ranh thô tục. Một số người cho rằng những cảnh nhạy cảm trong phim có một độ dài và tần suất xuất hiện nhiều không cần thiết, và chúng gần với pornography hơn là nghệ thuật. Theo ý kiến riêng, tôi không có vấn đề lắm về những điều này, những cảnh quay nhạy cảm vẫn cần thiết trong việc khắc họa sự mãnh liệt trong tình yêu của 2 cô gái trẻ. Trong buổi trưng bày cuối phim, điều này đã được nhấn mạnh trong những bức tranh vẽ của Emma. Những cảnh quay này, thiết nghĩ, sẽ hợp để được cảm thụ một cách cá nhân hơn là gói lại trong câu chữ, thế nên, tôi sẽ nhường lại phần này cho người xem.

 IMG_1633

 Blue is the warmest color thật sự là một trong số những bộ phim hay nhất tôi được thưởng thức gần đây. Hơi khập khiễng khi so sánh nó với một quán cà phê dễ chịu với nhiều góc ngồi đẹp và tạo cảm hứng theo một cách rất riêng cho mỗi người khách đến thăm, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để tôi viết về cách tôi cảm nhận bộ phim này.

Mèo chơi tam cúc