The man in the iron mask (1998)


Tạm dịch: Người đàn ông sau chiếc mặt nạ sắt

Đạo diễn: Randall Wallace

Kịch bản: Randall Wallace và dựa trên tiểu thuyết của Alexandre Dumas

Thời lượng: 132 phút

IMDb: 6.4/10 | Metascore: 48/100 | Watching Cafe: ★★☆☆☆

Diễn viên:

  • Leonardo DiCaprio … King Louis XIV/Philippe
  • Jeremy Irons … Aramis
  • John Malkovich … Athos
  • Gabriel Byrne … D’Artagnan
  • Gérard Depardieu .. Porthos
  • Anne Parillaud … Hoàng thái hậu Anne
  • Judith Godrèche … Christine
  • Peter Sarsgaard … Raoul

.

“Một người vì mọi người”

 

Nếu có ai hỏi tôi bộ phim nào gây xúc động với tôi nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay. Không phải là những thước phim trong những bộ phim tình cảm bi kịch hay những bộ phim kinh dị lấp đầy sự  sợ hãi mà là The man in the iron mask. “Một người vì mọi người” – một câu nói đơn giản mà hầu như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có đủ lòng can đảm để thực hiện. Nhưng ở thế giới trong bộ phim này, câu nói vang vọng và làm tôi vô cùng xúc động. Xúc động trước khung cảnh 4 con người, 4 vị anh hùng sát cánh bên nhau trong trận chiến cuối cùng chỉ vì câu nói “Một người vì mọi người”.

Bối cảnh phim vào thế kỷ thứ 17, dưới sự cai quản độc tài của vị vua trẻ Louis XIV,  nhân dân Pháp chịu nhiều cơ cực. Trong số 4 người lính ngự lâm huyền thoại xưa kia, những con người đã đổ không biết bao nhiêu máu và nước mắt để tận trung với triều đình, với lý tưởng, thì nay chỉ còn 1 người duy nhất ở lại là D’Artagnan, ở lại phục vụ cho triều đình.

Aramis, Athos, Porthos D’artagnan là 4 con người gắn bó với nhau vì “Một người vì mọi người”. Họ đã dùng cả một thời trai trẻ của mình vì hoàng đế, vì hoàng gia, vì đất nước, vì nhân dân. Họ sát cánh bên nhau lập không biết bao nhiêu chiến tích và để lại không biết bao nhiêu câu chuyện. Những câu chuyện của họ khiến lớp lính ngự lâm sau này coi đó là mục tiêu, là lý tưởng để vươn đến. Họ chính là huyền thoại, huyền thoại về sự  can đảm, quả cảm, lòng trung thành, tận tụy và chiến đấu hết hình vì lẽ phải. Nhưng những huyền thoại lại sớm cảm thấy “Mình đã chiến đấu vì cái gì?” khi mà đất nước trở nên hỗn loạn chỉ vì vị vua trẻ tàn ác.


Họ dần xa rời các lý tưởng thời trai trẻ, cái thời họ đã bỏ bao công sức để xây dựng nên một đế chế hùng mạnh, cái thời của 4 người lính ngự lâm quân huyền thoại.

Aramis trở thành linh mục và ông chẳng còn quan tâm đến chuyện gì nữa. Từ một người lính thành một linh mục, thật buồn cười làm sao. Ông trở thành linh mục có lẽ nào chính bởi vì “không muốn quan tâm đến sự đời” kia? Ông không thể nào tận tụy với nhà vua nhưng cũng không thể nào làm ngược lại, vì đơn giản ông không thể nào chống lại cái lý tưởng đã theo mình cả cuộc đời. Thế nên ông quyết định trở thành một linh mục không màng đến thế sự.

Porthos thì sao? Con người từng can trường ấy. Ông giờ suốt ngày đắm chìm trong những cuộc vui chơi, quan hệ với những cô gái chỉ bằng nửa tuổi mình. Ông cũng như Aramis, mất đi lý tưởng của mình và không biết làm gì, ông chọn việc đắm chìm trong trụy lạc để quên đi thực tại. Những huyền thoại một thời nay lại trở thành những con người tầm thường, đánh mất đi lẽ sống và niềm tin. Có người lại muốn tự  sát, cái hành động đáng khinh rẻ nhất của một người lính.

Athos lại rơi vào một bi kịch. Bi kịch mà khiến chính con trai ông phải đi vào con đường chết. Con đường ấy lại do chính con người ông đã từng hy sinh mọi thứ để bảo vệ tạo ra, nhà vua Louis XIV. Không phải do con trai ông làm điều gì sai trái, chỉ vì anh ta yêu lầm người, yêu nàng Chistine xinh đẹp. Chính vì vẻ đẹp của nàng đã khiến nhà vua say đắm, nhà vua trẻ vẽ cho chàng trai trẻ Raoul con đường đến cõi chết để chiếm lấy nàng Chistine.

Chính cái chết của Raoul đã thức tỉnh Athos trong cơn bi kịch. Ông đã tập hợp bộ tứ huyền thoại xưa kia, nhưng D’artagnan đã từ chối góp sức. Athos vẫn không từ bỏ, ông cùng Aramis và Porthos lập một kế hoạch vô cùng chi tiết.

Chắc mọi người vẫn tự hỏi D’artagnan tại sao vẫn trung thành, tại sao vẫn tận tụy với hoàng gia, chẳng lẽ ông không cảm thấy chán nản với thực tại sao? Có chứ, đương nhiên là có, nhưng ông vẫn phục vụ triều đình. Lý do có lẽ bởi vì ông vẫn tin tưởng, tin tưởng một ngày nhà vua trẻ sẽ mang tài năng ra để làm nước nhà hưng thịnh. Nhưng sâu sa, có lẽ là bởi vì hoàng thái hậu Anne, người mà ông yêu say đắm cả cuộc đời nhưng không bao giờ có thể với tới được. Làm sao ông có thể ra đi rời xa người ông yêu dấu? Làm sao ông có thể ra đi để chống lại hoàng gia và cũng là chống lại nàng? Làm sao ông có thể làm hại người con trai mà nàng vô cùng yêu quý? Làm sao chứ!

Quay lại với bộ ba kia, họ quyết định giải cứu người em trai song sinh của Louis XIV trong kế hoạch tráo đổi với nhà vua, hạ gục tên độc tài mà vẫn không làm đất nước bị hỗn loạn. Một kế hoạch tinh vi. Sau khi cứu được Philippe (em trai Louis), trong cuộc tráo đổi ở bữa tiệc hoàng gia. Cuộc đánh tráo có lẽ đã thành công nếu D’artagnan không khám phá ra bí mật và cứu được Louis, Philippe tiếp tục bị tống và tù ngục và phải đeo tiếp tục chiếc mặt nạ sắt mà anh căm thù nhất. Thứ che giấu khuôn mặt có thể khiến quốc gia chao đảo.

Bốn người lính trên cùng 1 chiến tuyến và hết lòng che chở nhau nay lại đứng ở 2 bờ khác nhau.

Bí mật được hoàng thái hậu Anne bật mí cho D’artagnan, cả vua Louis lẫn Philippe đều là con trai của ông. Aramis, Athos và Prothos đột nhập vào tù để cứu thoát Philippe lần nữa, lần này D’artagnan quyết định góp sức vì Philippe cũng chính là con trai ông, với người mà ông yêu dấu. Louis không phải là người tầm thường, hắn ta ra lệnh cho đội ngự lâm quân mai phục.

Và cảnh phim gây xúc động với tôi nhất cũng đến, đó là cảnh 4 người lính ngự lậm quân huyền thoại xưa kia mặc trên mình y phục của lính ngự lâm hoàng gia phải chiến đấu với lớp lính ngự lâm quân trẻ, những người mà họ đã đào tạo. Trong đội lính trẻ kia, họ đã từng lấy 4 huyền thoại sống kia để làm tấm gương đế phấn đấu, có người chỉ vì huyền thoại mà 4 con người kia đã tạo nên mà tham gia vào đội ngự lâm quân hoàng gia. Ngay cả anh trưởng đội ngự lâm quân cũng không khỏi bàng hoàng khi phải đối đầu với những người luôn là thần tượng của mình, là mục tiêu mà mình mơ ước vươn đến, đó là anh hùng, là huyền thoại của cả một dân tộc.

Nhà vua ra lệnh dùng đội  súng hỏa mai  để hạ những người lính già kia. Đội lính ngự lâm trẻ kia làm sao có thể bắn hạ những anh hùng trong lòng họ chứ. Nhưng họ cũng làm sao chống lại lệnh vua, người mà họ đã thề trung thành, tiếng vua Louis hét lên, họ buộc phải nổ súng trong nỗi đau đớn. Khung cảnh gây xúc động nhất là khi 4 người lính ngự lâm huyền thoại xông lên trong tiếng súng nổ mà không hề chùn bước, can đảm vì “Một người vì mọi người”, chiến đấu vì tình bạn và lẽ phải, những thứ họ đã từng mất đi, những thứ đang sống dậy sôi nổi trong lòng họ, những thứ mà họ sẽ dùng cả tính mạng đế đánhd đối. Và những người lính trẻ kia đành nhắm nghiền mắt và quay đầu để khỏi phải dau dứt thêm khi chính mình lại đi giết chết 4 anh hùng trong lòng mình.

Kết thúc là cái chết của D’artagnan, chết vì con trai mình và chết cho một người con trai khác.

Và bốn người lính đã sống vì câu “Một người vì mọi người” cho đến khi chết.

Bộ phim được xây dựng rất công phu và rất đẹp. Những nhân vật và tình tiết được xây dựng trau chuốt  và gây xúc động lớn. Nhạc phim gây cho người xem cảm giác như đang sống cùng bộ phim, cũng vì thế mà bộ phim đã đoạt 1 tượng vàng Oscar cho hạng mục “Nhạc phim hay nhất”. Leonardo DiCaprio đã diễn được hai tính cách trái ngược của Louis và Philippe, một tàn ác, một hiền lành. Và vai diễn tôi yêu thích nhất, chính là Gabriel Byrne trong vai D’artagnan, đôi mắt buồn buồn của ông luôn cho tôi một ấn tượng mạnh, cách diễn xuất rất chỉn chu nhưng cũng phong trần, ông đã phác họa ra một D’artagnan rất mạnh mẽ, sẵn sàng chết vì điều mình cho là đúng, nhưng cũng biết yêu say đắm và rất lãng mạn.

Tôi tự hỏi người đeo mặt nạ ở đây là Philippe hay còn là ai khác chăng? D’artagnan, Aramis, Athos, Porthos, Anne đều mang một mặt nạ vô hình nào đó của riêng mình.

.

Lawrence