The White Queen (2013)


thewhitequeenlarge Tên phim: The White Queen | Bà Hoàng Trắng

Hãng phim:  BBC Drama Productions

Đạo diễn: James Kent

Kịch bản: Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Philippa Gregory

Diễn viên: Aneurin Barnard, Rebecca Ferguson, Max Irons, Amanda Hale, Faye Marsay

Thời lượng: 60 phút / tập

Giải thưởng: Đề cử 3 giải Golden Globes | Phim truyền hình ngắn xuất sắc nhất | Diễn viên chính phim truyền hình ngắn xuất sắc nhất – Rebecca Ferguson | Diễn viên phụ phim truyền hình ngắn xuất sắc nhất – Janet McTeer

IMDb: 7.9/10 | Watching Cafe: ★★★★☆

Bạn có thể xem phim tại đây: The White Queen

~oOo~

Nhắc tới thể loại cung đấu, hẳn từ lâu chúng ta đã quen với hàng loạt tựa phim bộ từ Trung Quốc, Hồng Kông. Nhưng nếu lần này thử chút khẩu vị phương Tây, hẳn mọi người sẽ tìm thấy đôi điều thú vị. Ban đầu, dạo một hồi tìm kiếm cái gì đó để giải khuây và theo đuổi dài hạn, mình lướt qua The White Queen với tựa Việt là Bà Hoàng Trắng với đắn đo là một bộ phim cổ trang dài chỉ 10 tập, dù mỗi tập 60 phút, có thỏa yêu cầu của mình với không gian được dựng nên trong phim? Nhưng rồi coi thử trailer, rồi tập đầu tiên, với sự đầu từ kỹ lưỡng gần như đến từng góc quay đối với một bộ phim truyền hình, mình dần hiểu tại sao chỉ có bấy nhiêu tập, và đến cuối phim, dường như nội dung dày đặc trong 600 phút phim đó khiến mình ngộp thở với hành trình thời gian và biến cố.

0

Truyện phim kể về một trong những cuộc chiến nổi chiến đình đám nhất lịch sử nước Anh, Cuộc chiến Hoa Hồng (Wars of Roses), giữa nhà York và nhà Lancaster, cùng với một trong những điển tích tình yêu cũng nổi tiếng không kém giữa Edward IV và Elizabeth Woodville. Góa phụ trẻ tuổi đợi vị vua mới soán ngôi dưới gốc sồi, cầu mong một tương lai tươi sáng cho con cái cùng sự cô đơn quạnh quẽ của mình. Rồi nàng yêu chàng, yêu đến gần như say, buông mình trước cái nhất thời của một vị vua. Nhưng may mắn đã tới với đóa hồng dòng dõi nữ thần Melusina, vị vua trẻ trong khoảnh khắc đã chọn nàng làm tình yêu đời mình. Dù cho trong lịch sử, Edward IV nổi tiếng đa tình, dù rồi đây Elizabeth đã bắt gặp chàng trăng gió mây mưa với nhiều người tình khác, nhưng ngay cái chạm mắt đầu tiên, cô đã có đủ sức mạnh để giữ chân và trở thành tổ ấm cho người đàn ông của mình. Cuộc mặt chạm mặt, lời chạm lời về những chuyện này đã lột tẩy hết cái trần trụi trong bản năng đàn ông, đặc biệt là một vị vua, và cái thiêng liêng trong tình yêu của người phụ nữ, một trong những trường đoạn cảm động và đau đáu nhất phim, cùng với cái chết của Edward sau đó.

1

Nhan sắc và ánh mắt này chính là điều đã cuốn hút mình ngay từ những thước phim đầu tiên

“Điều còn lại chính là tình yêu của ta đối với nàng. Nàng là tổ ấm của ta.” Ừ, thì khi đã coi kẻ kia như một phần gia đình của mình rồi thì dù có đi đâu đi chăng nữa, cuộc quay đầu cũng cũng chỉ dành cho gia đình mà thôi. Phim còn khá nhiều cảnh đẹp và xúc động khác nữa. Rồi đây, khi Elizabeth chiến đấu đến mù quáng vì chồng, vì con, ở bên bà chỉ luôn là tấm áo ngày đầu bà trao mình cho người đàn ông đó… Qua diễn xuất của Rebecca Ferguson, Elizabeth Woodville không xuất hiện như một bà hoàng kiểu Lọ Lem từng bước đầu tranh và hy sinh nhân tính để sinh tồn, thích nghi. The White Queen biết mình là ai, làm được những gì, và tình yêu mình ở đâu. Đến cuối cuộc đời, bà vẫn nói rằng chỉ thấy an tâm khi có chồng và con bên cạnh, và bà hoàng một bước lên mây giữa ghét bỏ, sỉ nhục từ giới quý tộc cũng là một trong những hoàng hậu hiếm hoi khóc chồng bằng nước mắt từ trái tim. 2

Bên cạnh Elizabeth may mắn và quyền lực này luôn là một người mẹ đúng nghĩa. Bà cũng chọn chồng vì tình yêu bất chấp địa vị thấp kém của ông. Jacquetta Woodville có thể toan tính như mọi người phụ nữ khác một khi đã nắm trong tay cơ hội cho gia tộc, nhưng suy cho cùng bà cũng là kẻ biết cân nhắc và sáng suốt. Ngày Elizabeth gần như mất trí vì báo thù, Jacquetta nạt vào mặt con câu nói tỉnh táo nhất của một người mẹ: “Nước Anh cần hòa bình, tất cả mọi thứ khác phải gạt hết sang một bên”. Người ta gọi bà là phù thủy, nhưng truyện phim khắc họa nhân vật này gần với kiểu huyền ảo tâm linh hơn, theo kiểu một người biết mình sẽ chết lúc nào, thấu cảm đến tận nhịp đầu của mạch máu và an hiên với định mệnh không thể chối cãi. Điều này rất khác với một trong những đối thủ ghê gớm của mẹ con bà, Margaret Beaufort.

5

Nhắc tới người phụ nữ táo tợn này, chắc chắn không thể bỏ qua diễn xuất tuyệt vời của Amanda Hale. Từng biểu cảm cơ mặt đến khóe miệng đều khắc họa trọn vẹn con người của mẫu thân vua Henry VII. Bà có thể là một con chiên ngoan đạo thực sự, đọc được định mệnh cho con trai mình, nhưng giữa cuộc chinh chiến tranh giành những máu là máu, Margaret từng bước sa vào cuồng loạn mà đỉnh điểm là cuộc chất vấn rất hay và kịch tính giữa bà với người chồng thứ hai, để buộc bà đưa ra quyết định có giết hai hoàng tử kế vị, con trai Elizabeth, Princes in the Tower. Và câu trả lời đã chấm dứt tất cả những gì tốt đẹp còn lại trong bà, để rồi niềm tin vững chắc của bà sụp đổ không thể cứu vãn ở trường đoạn cuối cùng, khi cái chết của con trai Henry Tudor chập chờn trước mắt bà. Rồi đến khi điềm báo của bà ứng nghiệm, Margaret Beaufort đã chết, người còn lại là Margaret Regina.

4

Bên cạnh Margaret vào những tập đầu, là nhận vật mà mình thích nhất phim, Henry Stafford, con người dám hành động theo những quy tắc đạo lí và chính trị mà ông cho là đúng, những gì theo ông là có lợi cho dân chúng nước ông. Và dù tự nhận rằng rất ít khi đến nhà thờ, nhưng ông là người duy nhất cầu phúc cho vợ mình, bất chấp sự ghét bỏ, nguyền rủa và phản bội rành rành trước mắt mà ông phải luôn ngậm bồ hòn làm ngọt. Để rồi đến khi chết, điều trăn trở duy nhất vẫn là tính mạng và an nguy của người phụ nữ ông có trách nhiệm và con riêng của bà ta. Con người này an nhiên ra đi cũng một khí thái gì đó rất đẹp.

Phim không nhiều màn thị oai chiêu trò hay ẩn ngữ của nữ nhi hậu cung như các phim cổ trang Trung Quốc. Mọi điều trở nên rõ ràng, trực quan và thực tế đến cay đắng hơn trong bộ phim cung đình châu Âu này, nhưng cách dựng phim rất có vấn đề, và người xem phải bỏ công suy nghĩ, đặc biết là những khán giả đến từ một nền văn minh khác như chúng ta 🙂

6

The White Queen chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của Philippa Gregory, người viết cốt truyện cho The Other Boleyn Girl hồi 2008. Tiểu thuyết có vẻ đậm không khí kỳ ảo với các màn phép thuật bùa chú dày hơn từ ba người phụ nữ nhà Rivers: Jacquetta, the White Queen và the White Princess. Nhân vật Anne Neville trong truyện cũng có vẻ tự nhiên, nguy hiểm và trưởng thành hơn khá nhiều so với diễn xuất hơi yếu tay của Faye Marsay. Có lẽ chuyển biến tâm lí và thân phận chìm nổi của một thiếu nữ góa chồng lúc 14 tuổi quá nặng so với cô diễn viên trẻ này. Mà chắc Philippa Gregory phải hạnh phúc lắm khi thấy một trong những tưởng tượng của mình được thể hiện chi tiết đến từng nếp áo phục trang trên màn diễn, đặc biệt là màn đăng cơ không thể hoành tráng và ấn tượng hơn trong The White Queen.

7

Nếu đang tìm kiếm một bộ phim giải khuây chất lượng thì thay vì series Reign đang được PR rầm rầm rộ rộ với cùng đề tài, The White Queen là một lựa chọn thích hợp hơn. Vì so với mức độ dày dặn của bà Hoàng Trắng, Reign quá non nớt với kiểu làm phim trẻ con với nhạc pop xập xình đinh tai không dứt suốt phim.

23 03 2014

Cú Mù