NHỮNG BÔNG HỒNG CUỐI CÙNG CỦA MÙA HÈ


Bộ phim Wonder của đạo diễn Stephen Chbosky được chuyển thể từ cuốn sách bestseller cùng tên, kể về cậu bé August “Auggie” Pullman không may có khuôn mặt dị dạng bẩm sinh. Auggie không dám đi học, không dám gặp người lạ vì tự ti vào bản thân. Mẹ cậu, bà Isabel Pullman (Julia Robert), đã từ bỏ con đường nghiên cứu học thuật để ở nhà chuyên tâm chăm sóc con trai. Bà khuyến khích cậu đi học, động viên cậu nên tự tin và cởi mở hơn, bà luôn bảo vệ cậu và trấn an những cơn cáu kỉnh của Auggie. Bà Isabel là mẹ, đồng thời cũng là cô giáo, là người bạn thân nhất của cậu con trai nhỏ. Một bà mẹ khiến bất cứ ai cũng phải ghen tị, ngưỡng mộ và ước chi người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, dịu dàng hết mực đó cũng là mẹ mình.

Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu bà mẹ nào cũng như Isabel Pullman. Nhưng thế giới có hàng tỉ phụ nữ thì sẽ có hàng tỉ cách yêu con khác nhau. Có khi đó là thứ tình cảm nghiêm khắc, thực tế, hay thậm chí lạnh lùng, cực đoan, độc mồm độc miệng. Tình yêu của một người phụ nữ dành cho gia đình, cho con cháu, có thể sẽ không dạt dào, nhẹ nhàng, mà đầy gai góc và thâm trầm kín đáo.

02

Coco (2017)

Năm 2017, phim hoạt hình Coco chinh phục trái tim khán giả toàn cầu bởi nội dung hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện bậc thầy và đồ họa tuyệt đỉnh. Coco kể về thằng nhóc Miguel Rivera say mê âm nhạc và sớm bộc lộ năng khiếu ca hát từ nhỏ. Nhưng đời không như là mơ, Miguel sinh ra trong một gia đình ghét âm nhạc như ghét kẻ thù, xua đuổi âm nhạc như xua đuổi lũ quạ báo điềm gở. “Truyền thống” này của gia đình bắt nguồn từ bà cố Imelda Rivera.

Trước đây, bà cố Imelda kết hôn với một nhạc sĩ, bản thân bà cũng từng là người phụ nữ yêu ca nhạc và sở hữu giọng hát rất hay. Nhưng người chồng đó chỉ vì theo đuổi âm nhạc mà bỏ rơi vợ con mình ở lại quê hương để lên đường chu du khắp các miền đất. Kể từ đó, bà Imelda bắt đầu ghét tất cả mọi thứ liên quan đến âm nhạc. Bà đập vỡ tất cả nhạc cụ của chồng. Bà đóng chặt các cửa ngay khi nghe thấy có tiếng nhạc vọng từ bên ngoài. Bà cấm tiệt con cái, dâu rể, chắt chít không được phép nghe nhạc, chơi nhạc và không được đặt ảnh thờ người đàn ông đã bỏ rơi dòng họ Rivera trong phòng cung hiến. Thậm chí bà còn chúc phúc cho thằng chít Miguel phải từ bỏ tất cả mọi hoạt động dính dáng đến âm nhạc. Một người phụ nữ ghê gớm, lạnh lùng và thù dai.

Nhưng cũng chính người phụ nữ đó đã một mình vực dậy cả gia đình bằng nghề đóng giày và biến nó thành nghề truyền thống của dòng họ, truyền từ đời này sang đời khác. Nếu không có sự mạnh mẽ, nghị lực của bà cố Imelda, dòng họ Rivera sẽ đâm đầu vào ngõ cụt tăm tối. Khi sự thật được phơi bày, chính bà Imelda là người đã cầm giày tát thẳng hai cái bôm bốp vào mặt tên nghệ sĩ khốn nạn giả tạo độc ác Ernesto de la Cruz, một cái vì hắn đã lừa gạt và đẩy thằng chít Miguel của bà xuống vực, còn một cái vì hắn đã ra tay hãm hại chồng bà và tước đoạt đi những thành tựu vốn thuộc về ông.

Cũng chính bà cố Imelda đã chúc phúc cho Miguel được sống hết mình với âm nhạc và nhắc cho thằng chít nhớ rằng dù xảy ra bất cứ chuyện gì, gia đình luôn yêu thương và bảo vệ nó. Nếu trước đây, thằng chít Miguel sợ bà cố Imelda vì thái độ cực đoan của bà với âm nhạc và luôn ngăn cản nó theo đuổi ước mơ, giờ đây trong lòng nó chỉ còn sự kính trọng và yêu thương bà cố vì những gì bà đã làm cho cả dòng họ.

04

Laurie Metcalf trong vai Marion McPherson, mẹ của Lady Bird

Năm ngoái, Lady Bird được xếp vào một trong những ứng viên nặng kí tại các cuộc bình chọn, giải thưởng. Đây là bộ phim độc lập đầu tay của nữ diễn viên chuyên đóng các phim nghệ thuật Greta Gerwig và sớm nhận được những lời khen ngợi, đánh giá cao từ các nhà phê bình cũng như khán giả. Bộ phim kể về cô nàng Lady Bird (Saoirse Ronan) đến tuổi nổi loạn, thích gây chú ý, luôn khao khát rời khỏi Sacramento nhỏ bé, buồn tẻ và muốn vỗ cánh bay đến những vùng đất nghệ thuật, vui vẻ, năng động nằm ở bờ đông nước Mỹ.

Mẹ của Lady Bird, bà Marion McPherson (Laurie Metcalf), không hề ủng hộ lí tưởng của con gái. Ngược lại, bà chỉ cho Lady Bird rất nhiều thực tế đen tối trước mắt, nào là con không đủ tầm đâu mà cứ thích trèo cao những trường đại học danh tiếng, nào là nhà mình nghèo lắm, không có nhiều tiền đóng học đâu, rồi đến những vụ xả sủng bất chợt của đám người điên khùng vào những ngôi trường công. Khi biết Lady Bird giấu mẹ chuyện được nhận vào đại học ở New York, bà Marion giận dữ đến mức không nói chuyện với con gái. Mặc kệ Điểu cô nương ngày thường vốn cao ngạo, giờ đang xin lỗi rối rít và van nài bà hãy nói chuyện, bà Marion vẫn lặng thinh. Bà không giúp con chuẩn bị hành lí. Bà lạnh lùng đưa con đến sân bay rồi rời đi ngày với lí do không được đỗ xe lâu. Còn gì đáng buồn hơn khi mẹ cư xử lạnh lùng, coi con như người dưng nước lã và chẳng hề ủng hộ lựa chọn của con.

Có một cảnh trong Lady Bird làm tôi cực kì ấn tượng và nhớ mãi. Khi Lady Bird hỏi “Mẹ có thích con không?”, bà Marion trả lời điềm nhiên “Mẹ có yêu con”. Lady Bird hỏi lại “Mẹ có thích con không?” và bà Marion đáp rằng bà muốn con gái trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính nó. Đây không phải là câu trả lời Lady Bird mong muốn từ mẹ mình.

Có sự khác biệt lớn giữa Thích và Yêu. Thích là khi chúng ta có cảm tình, quý mến, hứng thú với cá tính, tính cách, sở thích của người đó. Yêu cần nhiều hơn thế. Yêu là tình thương, bao dung, vị tha, là chăm sóc, lo lắng, là bảo vệ, chở che. Thích, là chúng ta chấp nhận tất cả mọi thứ ở người đó, có thể lựa chọn một vài tính cách tốt đẹp, thú vị từ đối phương để ở cạnh họ và chẳng đòi hỏi người ta phải thay đổi gì cả. Yêu, là chúng ta muốn đối phương sống tốt hơn, hoàn thiện hơn, không vấp phải những dại dột mà chính ta từng sa ngã và trở thành một phiên bản rực rỡ, tốt đẹp hơn nữa. Chính vì tình yêu của người mẹ như vậy nên Lady Bird luôn nghĩ bà Marion không hiểu mình và ghét bỏ mình. Tình yêu của bà Marion khiến Lady Bird ngột ngạt, chán nản vô cùng. Rốt cuộc phải trở thành phiên bản hoàn hảo như thế nào thì mới làm vừa lòng mẹ?

Chỉ đến khi Lady Bird đọc những bức thư bà Marion không dám gửi và tỉnh dậy sau một trận say bét nhè ở một thành phố xa lạ, không có người thân bên cạnh, cô nàng mới hiểu mình nhớ và yêu mẹ đến nhường nào. Bà Marion là người tháp tùng cô con gái đi shopping chọn váy và tỉ mỉ sửa lại bộ váy sao cho thật đẹp trong lúc đứa con ngủ khì. Bà cũng là người đánh thức Lady Bird ra khỏi những giấc mơ hồng bằng những thực tế cuộc sống chẳng hề dễ chịu.

Mặc dù bà cố chấp không nói chuyện và tiễn con gái lên máy bay, nhưng khi bà vừa rời đi, bà lập tức nhớ nó cồn cào không chịu nổi và bật khóc nức nở khi nó đã thực sự rời xa vòng tay bà để sải đôi cánh non nớt, bay thật xa đến một vùng đất lạ lẫm khác. Tình cảm giữa mẹ và con gái lắm lúc cũng khó hiểu, phức tạp như vậy đấy. Vẫn sẽ có những hiểu lầm, cãi vã, giận dỗi, vẫn sẽ có những lúc làm tổn thương nhau và người này không thể đáp ứng nổi yêu cầu của người kia, nhưng điều đó không có nghĩa tình cảm của người mẹ dành cho đứa con cạn kiệt trống trơn.

06

Frances McDormand trong vai Mildred Hayes

Làm mẹ khó lắm. Làm mẹ của một đứa trẻ nổi loạn, quái thai ngâm giấm như bà Marion còn khó hơn. Và khó hơn nhiều nữa là đòi lại công lí cho đứa con quá cố như bà mẹ Mildred Hayes (Frances McDormand) trong Three Billboards outside Ebbing, Missouri.

Mildred Hayes thực là một bà mẹ badass. Bà là kẻ bợm nhậu, ăn mặc và xử sự như đàn ông, chửi cảnh sát như chửi con nợ, mở miệng ra là văng tục, xỉa xói người ta, tính tình phổi bò không thể chịu nổi. Bà không nói thì thôi, nói ra là chuẩn không cần chỉnh, chỉnh là mất chuẩn. Bà chẳng sợ chính quyền hay miệng lưỡi người đời gì hết, cứ thế dựng lên ba tấm billboard ngay giữa đường cao tốc để thu hút dư luận, ép buộc lũ cảnh sát rảnh đời đi tìm hung thủ hại chết con bà. Gan bà to đến nỗi đêm hôm khuya khoắt, bà cứ thế ném bom xăng vào đồn cảnh sát. Mẹ nào cũng như thế này chắc chúng ta quay trở lại chế độ mẫu hệ luôn.

Tuy nhiên, dù mạnh mẽ và cứng rắn đến mấy, bà Mildred vẫn có những nỗi đau không biết tỏ cùng ai. Cái chết của con gái không chỉ là nỗi đau, là vết thương không bao giờ lành. Cái chết của con gái còn là vùng cấm địa trong cõi lòng tan nát của bà. Cảnh bà Mildred nói chuyện với chú nai trước tấm billboard lúc sáng sớm là cảnh làm tôi xúc động nhất, thương tâm nhất. Hình ảnh chú nai ăn cỏ dưới ánh nắng bình minh mới đẹp làm sao, nó tạm thời xoa dịu nỗi đau mất mát và mệt mỏi rã rời của bà. Và khi chú nai rời đi, mang theo tất cả vẻ đẹp của nó, bà mới nhận thức từng cơn đau rã rời trong cơ thể, trong trái tim và tâm hồn mình. Rồi bà bật khóc. Một mình.

Những tấm biển billboard của bà Mildred giống như cái gai nhức nhối đâm vào mắt người ta. Tay cảnh sát nóng nảy Jason Dixon gây khó dễ cho bà, dồn ép bà phải bỏ cuộc. Lão chồng cũ của bà chẳng thèm quan tâm và chỉ mải vui chơi với cô bồ đáng tuổi con lão. Thẳng con trai của bà khó chịu, đau khổ khi nhìn thấy tấm biển “Raped while dying”. Nó không hiểu tại sao mẹ nó phải viết như vậy, để rồi tất cả mọi người khi nhắc đến chị gái nó sẽ chỉ nhớ rằng đây là đứa con gái đã bị cưỡng bức trong lúc hấp hối.

Khi ba tấm billboard bị đốt cháy, nó đồng thời cũng là mồi lửa thiêu đốt ý chí, can đảm, tự tin của bà Mildred. Bằng một sức mạnh phi thường, hoặc chỉ là bà đã đến bước đường cùng rồi, chẳng còn gì để mất nữa, bà lại vùng lên chiến đấu, mạnh mẽ và quyết tuyệt hơn bao giờ hết. Tình cảm giữa Mildred và đứa con gái xấu số dù chỉ toàn những rạn nứt méo mó, nhưng dẫu sao đó vẫn là con gái của bà. Tất cả những gì Mildred có thể làm vào lúc này là đòi lại công lí cho con gái, để nắm xương nằm dưới ba tấc đất của nó mới thực sự yên nghỉ, và cũng là để cõi lòng bà được an ủi phần nào.

Imelda Rivera, Marion McPherson, Mildred Hayes, và còn rất nhiều người phụ nữ gia đình trên màn ảnh, đều dành cho con cháu tình cảm mạnh mẽ, quyết đoán, đôi khi khắc nghiệt vô cùng. Giống như vẻ đẹp của hoa hồng luôn đi kèm với những cái gai nhọn sắc dọc trên thân hoa. Chính những cái gai đó đã tạo nên vẻ đẹp độc lập và kiên cường của bông hồng. Tựa như lời bài hát Tis the last Rose of summer mở đầu phim Three Billboards outside Ebbing, Missouri.

“Tis the last rose of summer

Left blooming all alone,

All her lovely companions

Are fade and gone.

No flower of her kindred,

No rose bud is nigh,

To reflect back her blushes,

And give sigh for sigh.”

(Lược dịch:

Đó là bông hồng cuối cùng của mùa hè

Vẫn bung nở đơn độc,

Tất cả những người bạn đáng yêu

Đã héo tàn và rời xa.

Chẳng còn bông hoa thân thiết,

Chẳng còn những nụ hoa kề bên,

Để phản chiếu lại những ánh hồng

Và đáp lại những tiếng thở dài.)

18.03.2018

(HT)